Trong nước

Sở GTVT Hà Nội: Sẽ quản chặt mức giá của G7 taxi

G7 taxi đang thu hút các hãng taxi nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội sáp nhập vào để trở thành thương hiệu số 1 Việt Nam, chính vì vậy nhiều người lo ngại G7 taxi sẽ độc quyền và ép giá khách hàng. Sở GTVT Hà Nội cho biết, G7 taxi vẫn là taxi truyền thống, nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ về giá nên không thể tăng giá tùy tiện.

Theo Sở GTVT Hà Nội, hoạt động của các hãng taxi công nghệ nở rộ nhanh chóng, đến hết năm 2017, trên cả nước đã có khoảng 36.000 xe tham gia loại hình taxi công nghệ Uber/Grab (trong đó tại Hà Nội 16.000 xe, TP HCM khoảng 20.000 xe). Tại Hà Nội có đến 77 hãng taxi, nhưng hãng taxi nhiều xe nhất chỉ có gần 1.000 xe, rất khó để cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.

Sau khi học tập và tham khảo một số mô hình cạnh tranh với Uber/Grab tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, G7 taxi tại Việt Nam đã ra đời dưới sự hợp tác của 3 hãng taxi lớn tại Hà Nội, bao gồm Taxi Ba Sao, Taxi Sao Hà Nội, Taxi Thành Công cùng với sự cam kết đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao thương hiệu và phương pháp phát triển thị trường.

G7 taxi chính thức lăn bánh phục vụ khách hàng từ tháng 10/2018.

Đánh giá về mô hình G7 taxi, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – Chuyên gia Kinh tế, Tài chính khẳng định, việc các hãng taxi truyền thống cùng nhau hợp nhất tạo thành G7 taxi là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường taxi Việt Nam. “Hiện nay chưa bàn đến việc hợp nhất này có mang đến hiệu quả cao hay không vì điều đó cần có thời gian để theo dõi, đánh giá về tất cả các mặt như chất lượng dịch vụ, giá cả, hiệu quả kinh tế... Tuy nhiên, việc hợp nhất này là một điểm tích cực cần được khuyến khích, tạo điều kiện để các hãng taxi truyền thống có cơ hội sáng tạo, tiếp cận xu thế phát triển hiện đại của thế giới” - ông Kiêm nói.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho biết thêm, để đi tới quyết định trên, đương nhiên các hãng đã có thời gian nhìn nhận, đánh giá sự vận động của thị trường cũng như xu thế phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0. Họ đã nhận ra cái gì cũ kỹ, lạc hậu cần thay đổi và cái gì tiên tiến cần tiếp cận. Xét về mặt khuynh hướng, việc liên kết các hãng lại thành một, sử dụng công nghệ hiện đại vừa giúp khắc phục những hạn chế của taxi truyền thống, vừa phát huy được những thế mạnh nội tại mà nếu làm riêng rẽ các hãng taxi truyền thống sẽ khó có thể làm được. Điều này giúp cho việc phục vụ khách hàng được tốt hơn, vừa tiếp cận được công nghệ mới.

Đại diện G7 taxi cho biết, mục tiêu của G7 taxi sẽ trở thành thương hiệu taxi số 1 Việt Nam. Để hiện thực hóa “giấc mơ” thống trị thị trường taxi ở Việt Nam, đơn vị này đang thu hút các hãng taxi nhỏ lẻ còn lại cùng hợp nhất vào G7 taxi. Tuy nhiên, tham vọng này đã khiến nhiều người lo lắng mô hình này sẽ độc quyền, ép giá khách hàng.

G7 Taxi cam kết sẽ duy trì chính sách giá cước cạnh tranh nhất trên thị trường, giữ mức giá ổn định, không tăng giá trong giờ cao điểm và thực hiện đúng các quy định về quản lý giá cước của Nhà nước.

Nói về vấn đề này, đại diện của G7 Taxi nhấn mạnh “người tiêu dùng sẽ không phải lo lắng” bởi G7 taxi cam kết sẽ duy trì chính sách giá cước cạnh tranh trên thị trường, giữ mức giá ổn định, không tăng giá trong giờ cao điểm và thực hiện đúng các quy định về quản lý giá cước của Nhà nước.

Cũng về nội dung này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và các Phòng Tài chính các quận, huyện, thị xã để thường xuyên tuyên truyền các quy định liên quan đến việc kê khai giá, yêu cầu các đơn vị phải niêm yết trên phương tiện, thông báo về tiền cước trước mỗi chuyển đi trên trên phần mềm ứng dụng.

“G7 taxi vẫn là taxi truyền thống nên chịu sự quản lý của nhà nước thông qua những điều kiện kinh doanh cụ thể, trong đó, có quản lý về giá cước, nên hành khách sẽ không lo bị ép giá, không thể tăng hay giảm giá cước vô tội vạ được” – Sở GTVT Hà Nội cho biết.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm nói thêm, mô hình G7 taxi là tốt, nhưng nếu không có sự quản lý của nhà nước, không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thì sẽ “loạn taxi”. Chính vì vậy, nhà nước cần quản lý chặt chẽ loại hình vận tải taxi và các hãng taxi công nghệ bằng những điều kiện kinh doanh rõ ràng, từ đó sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, khách hàng sẽ được hưởng lợi.

Cuối cùng, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc G7 taxi ra đời có trung tâm điều hành chung là rất phù hợp với nội dung của dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP