|
Vì sao giáo viên được phân công giảng dạy 2 môn khác nhau?
Đối với tình trạng thiếu giáo viên tại Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác đi vào hoạt động bắt đầu từ năm học 2022-2023 với quy mô 909 học sinh, được biên chế thành 22 lớp.
Trong đó, cấp THCS có 20 lớp với 834 học sinh; cấp THPT có 2 lớp với 75 học sinh.
Căn cứ quy mô lớp học hiện có và đối chiếu với định mức quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác đang thiếu 18 giáo viên.
Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT đã hợp đồng giáo viên và biệt phái giáo viên từ các trường THPT trong tỉnh đến công tác tại trường Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dạy và học của nhà trường.
Do thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học nên Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác tạm thời phân công một số giáo viên dạy ở 2 môn học khác nhau. |
Qua rà soát việc phân công giáo viên giảng dạy tại Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác cho thấy, có một số giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng được nhà trường phân công dạy ở 2 môn học khác nhau. Bên cạnh đó, những giáo viên THCS có bằng Đại học được nhà trường bố trí giảng dạy một số tiết ở 2 lớp 10.
“Do thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học nên tạm thời nhà trường phân công để tránh tình trạng có lớp học nhưng không có giáo viên đứng lớp. Việc này đã được Sở GD&ĐT chỉ đạo Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác khẩn trương, tiến hành phân công lại nhiệm vụ giảng dạy, đảm bảo phù hợp với chuyên ngành được đào tạo của giáo viên. Đồng thời, chỉ đạo nhà trường bố trí dạy bù đối với môn học thiếu giáo viên vào các buổi trong tuần, để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”, Sở GD&ĐT lý giải.
Sở GD&ĐT cũng khẳng định, tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp so với quy mô lớp học của Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác dẫn đến nhà trường phân công cho giáo viên giảng dạy vượt số tiết định mức quy định, có trường hợp giáo viên có số tiết dạy thêm giờ bằng với số tiết định mức quy định.
Để tiếp tục khắc phục tình trạng nói trên, trong Học kỳ II, năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT tuyển dụng giáo viên bổ sung cho các môn học hiện còn đang thiếu giáo viên của Trường THCS & THPT Lê Hữu Trác, để đảm bảo nhiệm vụ dạy và học.
Khẩn trương triển khai nhiều giải pháp
Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cũng thông tin, hiện nay, số lượng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của tỉnh Đắk Nông đang thiếu so với định mức quy định. Cụ thể, tổng số giáo viên thiếu trong toàn ngành là 606 người, tổng số nhân viên thiếu trong toàn ngành là 421 người.
Trong đó, giáo dục Mầm non thiếu 213 giáo viên và 38 nhân viên; Tiểu học thiếu 194 giáo viên và 155 nhân viên; Trung học cơ sở thiếu 77 giáo viên và 155 nhân viên; Trung học phổ thông thiếu 122 giáo viên và 73 nhân viên.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên nói trên, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho hay, dân số của tỉnh Đắk Nông trong những năm gần đây tăng cao, trong đó có sự gia tăng cơ học của dân di cư tự do từ các tỉnh khác.
Do đó, số học sinh, số lớp tăng theo từng năm trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, yêu cầu số lượng giáo viên phải tăng theo để đáp được ứng yêu cầu giảng dạy.
Mặt khác, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp tiểu học, lớp 3 đã bắt buộc học môn Tiếng Anh, Tin học, ở cấp THPT có môn Âm nhạc, Mỹ thuật, do đó yêu cầu phải có giáo viên dạy các môn học này.
Do thiếu giáo viên nên một số giáo viên dạy môn Tin học trên địa bàn huyện Tuy Đức phải dạy liên trường. |
Ngoài ra, việc giao số biên chế giáo viên (số lượng người làm việc) của cơ quan có thẩm quyền cho Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thành phố còn thiếu nhiều, chưa đảm bảo được định mức theo quy định tại Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT.
Để giải quyết cơ bản tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên trên địa bàn tỉnh như hiện nay, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 3688 ngày 04/7/2022.
Theo đó, chỉ đạo UBND các huyện, Tp.Gia Nghĩa khẩn trương xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên mầm non, phổ thông công lập từ trường thừa cục bộ giáo viên sang trường thiếu giáo viên, từ trường thiếu ít giáo viên sang trường thiếu nhiều giáo viên. Đồng thời, khẩn trương tuyển dụng giáo viên các cấp học đủ theo cơ cấu từng môn học.
Mặt khác, tăng cường công tác phân công giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm ở các trường thiếu biên chế so với định mức. Tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên trường học được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để chuyển đổi vị trí việc làm thành giáo viên.
Bên cạnh đó, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh điều tiết số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập giữa các địa phương cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời gian tới.
Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xem xét, không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh Đắk Nông năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, giao bổ sung số lượng người làm việc để tỉnh tuyển dụng giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập...
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72 ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Theo đó năm học 2022-2023, giao bổ sung cho tỉnh Đăk Nông 115 biên chế giáo viên.
Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế đang thiếu giáo viên hiện nay của tỉnh thì chưa đủ số lượng theo yêu cầu.
Như Người Đưa Tin đã phản ánh, tình trạng thiếu nhân lực đã khiến cho các giáo viên tại Trường THCS&THPT Lê Hữu Trác phải làm việc gấp đôi, thậm chí dạy trái chuyên môn và không đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh.
Đáng nói, tình trạng giáo viên xảy ra không chỉ riêng tại Trường THCS&THPT Lê Hữu Trác mà hiện hữu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của tỉnh Đắk Nông đang thiếu nhiều so với định mức. Cụ thể, cấp mầm non thiếu 217 người; cấp tiểu học 387 người; cấp THCS 245 người và cấp THPT 117 người.
Tuy nhiên, sau nhiều lần đề xuất các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Đắk Nông chỉ được giao bổ sung 115 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các sự nghiệp giáo dục công lập tỉnh Đắk Nông năm 2022.
Tác giả: Khánh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn