Đây là băn khoăn của nhiều sinh viên cùng chia sẻ tại buổi toạ đàm về "hợp tác phát triển nguồn nhân lực văn hóa và du lịch" giữa nhà trường với các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực diễn ra tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng sáng 1/12.
Làm sao để sinh viên ra trường tìm được việc và làm được việc?
Tại buổi toạ đàm, PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Đà Nẵng nêu đề dẫn: Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Cơ chế đào tạo đặc thù cho ngành Du lịch. Nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo chuyên ngành liên quan lĩnh vực du lịch mong muốn tiếp thu ý kiến để định hướng liên kết, hợp tác giữa các cơ quan hữu quan như sở văn hoá thể thao, sở du lịch, quản lý điểm đến, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành; xây dựng chương trình và đổi mới phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Mục tiêu là để sinh viên ra trường tìm được việc và làm được việc.
TS Trương Phước Minh nhìn nhận thực tế: Trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp vẫn mất thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng; năng lực ngoại ngữ, tin học là chìa khoá của hội nhập lại là điểm yếu của đội ngũ du lịch hiện nay.
Quang cảnh tọa đàm |
Theo đó, việc đào tạo cần gắn với nhu cầu thực tiễn hơn nữa. Cần đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, chẳng hạn như mời các chuyên gia trong lĩnh vực truyền đạt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để sinh viên tiếp cận và lĩnh hội kiến thức thực tế.
Ông Nguyễn Viết Trãi - Giám đốc Công ty du lịch Mai Linh miền Trung nói thẳng là từ 2-3 năm nay công ty này không tuyển sinh viên mới ra trường, trừ các sinh viên tham gia mô hình công ty trong trường học do doanh nghiệp phối hợp nhà trường tổ chức. Nghĩa là song song việc học lý thuyết chuyên ngành, sinh việc được trải nghiệm một vị trí công việc, môi trường làm việc như thật để được quan sát và tích luỹ kinh nghiệm thực hành.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cũng nói hiện nay phân bổ chương trình đào tạo của các trường vẫn nặng phần lý thuyết. Cần tăng thời lượng thực hành, thực tập cho sinh viên. Ví dụ, ở Đà Nẵng có rất nhiều bảo tàng nhà nước và cả tư nhân. Đây là các địa chỉ sinh viên các ngành văn hoá học, văn hoá du lịch, Việt Nam học, Địa lý học... có thể tìm đến để xin thực tập. Ngoài ra, các em cần siêng năng đến thư viện để trau dồi kiến thức văn hoá, xã hội để có một nền tảng kiến thức vững chãi hơn và thành công trong công việc.
"Tự hỏi công việc cần gì ở mình rồi tích luỹ kinh nghiệm"
Lắng nghe các ý kiến đóng góp, nhiều sinh viên đã chia sẻ rất thật là rất buồn và mong rằng các đơn vị, doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên gạt bớt định kiến sinh viên mới ra trường thì không biết gì cả. Thực tế nhà trường đã trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng trong lĩnh vực chuyên ngành và ngành liên quan. Như sinh viên ngành Địa lý học hoàn toàn có kiến thức nền để học thêm nghiệp vụ để làm du lịch. Nhưng khi đi thực tập thì sinh viên gặp phải cái nhìn chưa tin tưởng của doanh nghiệp.
Các sinh viên cũng thừa nhận cái thiếu của sinh viên mới ra trường là thiếu kinh nghiệm và nêu băn khoăn: "Sinh viên ra trường xin việc đâu cũng đòi kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm?"
Sinh viên bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bớt định kiến sinh viên mới ra trường thì không biết làm gì, và nêu băn khoăn: sinh viên mới ra trường thì tích lũy kinh nghiệm ở đâu? |
Chia sẻ với các sinh viên, ông Nguyễn Viết Trãi đưa ra lời khuyên: "Các bạn tự hỏi công việc cần gì ở mình rồi tích luỹ kinh nghiệm. Ví dụ như tôi hồi sinh viên cũng đạp xe đi xin học việc khắp, cũng bị người ta từ chối nhiều, nhưng mình kiên trì thì cũng có nơi nhận. Và khi làm thì việc gì được giao mình cũng làm từ phát tờ rơi, treo băng rôn. Đừng chê việc nhỏ, việc nhỏ mà mình làm không chuẩn thì làm sao làm được việc lớn. Cứ như thế, mình sẽ được giao việc nhiều hơn, tích luỹ kinh nghiệm dần dần như thế".
Ông Nguyễn Viết Trãi - Công ty DL Mai Linh miền Trung: Tự hỏi công việc cần gì ở mình rồi tích luỹ kinh nghiệm |
Đại diện Công ty Du lịch Tiếng Ngô Đồng cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế là đã xác định theo đuổi nghề du lịch là nghề làm dịch vụ, phục vụ khách; nên từ khi còn đi học đã vừa học ban ngày vừa tranh thủ làm thêm ban đêm từ bán cà phê cho đến bán vé tàu đêm. Đây cũng là những nghề phục vụ nhiều đối tượng khách như nghề du lịch, cũng giúp mình tích luỹ kinh nghiệm cho công việc sau này. Không phải tích luỹ từ công việc lớn lao gì mà từ những việc nhỏ như thế.
Riêng trong lĩnh vực du lịch, nhiều ý kiến đưa ra tại buổi toạ đàm nhấn mạnh cần nhất là năng lực ngoại ngữ. Ông Huỳnh Mạnh Hiểu ở Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng nói với các bạn sinh viên rằng hãy bớt thời giờ lên mạng xã hội, facebook, để dành thời gian học ngoại ngữ, quan sát và học kỹ năng mềm như thái độ, ứng xử làm sao trong môi trường công việc, trong phục vụ khách - rất cần cho một người thành công trong công việc, không chỉ riêng lĩnh vực du lịch.
Tác giả: Khánh Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí