Kinh tế

Siêu thị nội: Mất hàng trăm tỷ đồng bình ổn, giá vẫn cao hơn siêu thị ngoại

Một trong số những lý do khiến siêu thị nội khó cạnh tranh với siêu thị ngoại chính là giá cả, hệ thống phân phối và quy hoạch ngành còn nhiều bất cập.

"Chúng ta tự hại mình là 70%, còn sức ép từ doanh nghiệp ngoại chắc chỉ có 30%", Chủ tịch Hội siêu thị Việt Nam nói.


Phát biểu tại Hội thảo "Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức", ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Việt Nam chia sẻ: "Tôi là người đầu tiên mở siêu thị tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, tôi chứng kiến doanh nghiệp trong nước đã có nhiều cố gắng nhưng sự chuyển mình chậm nên khi sức ép của doanh nghiệp nước ngoài mạnh về vốn, tiếp thị vào khiến ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà".

Ông Phú nêu một trong số những lý do khiến siêu thị nội khó cạnh tranh với siêu thị ngoại chính là giá cả, hệ thống phân phối và quy hoạch ngành còn nhiều bất cập.

"Nhiều khi giá ở mức cao vô lý. Giá một chai dầu ăn trong siêu thị nội cao hơn siêu thị ngoại đã là hình ảnh xấu về giá rồi. Chúng ta cũng không thể cạnh tranh được với trứng gà trong siêu thị có giá tới 47 nghìn đồng, gấp hơn 2 lần so với giá bán bên ngoài. Thậm chí, Hapro một doanh nghiệp bán lẻ có vốn nhà nước, tốn hàng trăm tỷ bình ổn mà giá vẫn cao hơn bên ngoài", ông Phú nói.

Ông Phú cũng cho rằng: "Giá cao vô lý, lỗi còn do hệ thống phân phối. Chúng ta tự hại chúng ta, bởi phân phối yếu thì sản xuất cũng chết. Tôi lấy một ví dụ, trong khi trứng gà và cánh gà CP có mặt ở hầu hết các siêu thị thì gà đồi Yên Thế ở đâu? Thực tế, nhiều siêu thị nội chỉ ngồi máy lạnh và chờ người ta mang hàng tới. Thêm vào đó, chúng ta nói Big C ép hàng Việt nhưng siêu thị nội cũng ép với hàng loạt các loại phí, từ phí tạo mã cho tới phí thường niên... "

"Ngoài ra, tôi cũng đồng ý với ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải về thực tế, nhiều siêu thị nội trong nước được ưu ái rồi mang bán đi như Fivimart bán 30% Aeon. Rồi 700m đường Thái Thịnh quy hoạch 3 siêu thị gồm Hapro, Lotte, Fivimart, trong đó Fivimart ở giữa được "cắm" cho 32.000 tấn rau bình ổn, rau nhiều có thể rải khắp đường mà không thể đến tay người tiêu dùng. Không thể hiểu nổi cách bố trí như thế nào!", ông nói thêm.

Chốt lại, ông Phú khẳng định: "Chúng ta tự hại mình là 70%, còn sức ép từ doanh nghiệp ngoại chắc chỉ có 30%. Chúng ta cần có hội nghị Diên Hồng về vấn đề này, hiện dư địa hỗ trợ không còn nữa rồi, nếu không cạnh tranh thì doanh nghiệp phải chấp nhận phá sản. Tôi cho là rất vô lý khi nước đến chân rồi vẫn còn đi bộ, điều đó khiến chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Tôi cũng mong muốn sự cạnh tranh để người tiêu dùng hưởng lợi và doanh nghiệp phải tăng năng lực cạnh tranh lên".

Đồng quan điểm, tham luận tại Hội thảo, TS Ngô Tuấn Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân thừa nhận: "Thị trường bán lẻ dự báo sẽ tăng trưởng khá nhanh và có thể đạt doanh thu từ 102 tỷ USD lên 179 tỷ USD sau 5 năm nữa. Với dân số hơn 90 triệu người, 60% là người tiêu dùng trẻ với nhu cầu mua sắm cao, thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Sau khi gia nhập WTO, ngành bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và thực tế các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng yếu thế tại thị trường trong nước với hàng loạt các tên tuổi lớn như Tập đoạn Casino (Big C), Metro, Aeon, Lotte".

Theo ông Tuấn, với việc các doanh nghiệp bán lẻ lớn của thế giới như Nhật, Pháp, Mỹ và Thái Lan... sẽ dẫn đến nếu doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị đẩy khỏi thị trường. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bán lẻ vào Việt Nam sẽ kéo theo hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam, chẳng hạn hàng của Thái Lan, chất lượng không kém Việt Nam trong khi giá lại rẻ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm.

"Hơn nữa, các doanh nghiệp nội kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tâm lý làm ăn chộp giật, mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản. Các cơ quan quản lý buông lỏng thị trường nội địa, nhà sản xuất, chăn nuôi sử dụng chất cấm, chất tạo nạc… Thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ là điểm yếu của doanh nghiệp nội địa. Việt Nam chưa có nhiều các doanh nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực. Năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài còn yếu, còn nhiều thụ động", ông Tuấn chỉ ra một loạt các điểm yếu.

Tác giả bài viết: Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP