Thế giới

Siêu tàu hải cảnh - Vũ khí mới của Trung Quốc trên Biển Đông

Trung Quốc đang biến các tàu hải cảnh thành một loại vũ khí mới, giúp Bắc Kinh hiện thực hóa mưu đồ kiểm soát Biển Đông, tạp chí National Interest dẫn lời chuyên gia phân tích Robert Beckhusen.

Tàu hải cảnh ngoài nhiệm vụ thực thi pháp luật còn có sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn trên biển nên thường được xem là ít hiếu chiến hơn các tàu hải quân. Tuy nhiên, các tàu hải cảnh Trung Quốc gần đây đang ngày càng tỏ ra hung hăng, hiếu chiến trên biển. Theo ông Robert Beckhusen, tàu hải cảnh Trung Quốc hiện còn sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp cần thiết.

Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hiện có một con tàu đặc biệt hiếu chiến - CCG3210, trước đây được gọi là Ngư Chính 310.

Tàu hải cảnh Trung Quốc CCG3210, bắt đầu hoạt động từ năm 2010, có trọng tải 2.580 tấn, được trang bị súng máy, pháo sáng và thậm chí còn được trang bị hệ thống gây nhiễu thông tin hiện đại, tinh vi.

CCG3210 có nhiệm vụ hộ tống các đội tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông đồng thời giám sát và canh chừng lực lượng Hải quân của các nước trong khu vực bao gồm Philippines, Indonesia...


CCG3210 gần đây đã liên tục xuất hiện trong các vụ đụng độ với các lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài trên Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc CCG3210


Mới đây nhất, tàu chiến Indonesia và tàu hải cảnh Trung Quốc CCG3210 đã "chạm trán" liên quan đến vụ tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt trộm thủy sản trên vùng biển của Indonesia, dẫn đến căng thẳng ngoại giao gay gắt giữa Jakarta và Bắc Kinh.

Cụ thể, hôm 27.5, chiến hạm của Hải quân Indonesia đã đuổi bắt một tàu cá Trung Quốc cùng 8 ngư dân với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc quần đảo Natuna của nước này ở Biển Đông.

Theo phát ngôn viên quân đội Indonesia Josdy Damopoli, tàu hộ vệ Oswald Siahaan 354 đã phát hiện 1 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong khu vực và lập tức liên lạc qua sóng vô tuyến đồng thời bắn súng cảnh cáo, nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn cố chạy ra vùng biển quốc tế.

Tàu cá Trung Quốc chỉ dừng lại khi mũi tàu bị trúng đạn. Tàu hải cảnh Trung Quốc - CCG3210 đang hoạt động gần đó nhưng không can thiệp, có thể một phần do lập trường cứng rắn của Jakarta trong việc chống lại sự xâm nhập trái phép của các tàu cá Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong vụ việc tương tự diễn ra ngày 19.3 trước đó, khi tàu tuần tra Indonesia đang cố chặn bắt một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép thì bị tàu hải cảnh CCG3210 của Trung Quốc chặn lại, ngăn không cho giới chức trách Indonesia tịch thu tàu cá.

"Vụ đuổi bắt lần đó liên quan đến một tàu tuần tra nhỏ. Tuy nhiên, lần này tàu hải cảnh (CCG3210 của Trung Quốc) không dám can thiệp vì cuộc rượt đuổi liên quan đến tàu hộ vệ (Oswald Siahaan 354)”, phát ngôn viên quân đội Indonesia Josdy Damopoli cho hay.

Trước đó xa hơn, tháng 3.2013, tàu tuần tra Hiu Macan 001 của Indonesia cũng chặn bắt một tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước này. Tuy nhiên, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc xuất hiện, bám theo tàu Hiu Macan 001. Một vài giờ sau, một con tàu lớn hơn nhiều của Trung Quốc xuất hiện - tàu hải cảnh CCG3210.

CCG3210 phát tín hiệu cho Hiu Macan 001 và yêu cầu tàu tuần tra thả tàu cá các ngư dân Trung Quốc vừa bị bắt giữ. Chỉ huy tàu Hiu Macan 001 liên lạc về trụ sở chính nhưng phát hiện thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh đã bị vô hiệu. Xét tình thế cấp bách lúc đó, chỉ huy tàu Hiu Macan 001 buộc phải làm theo yêu cầu của tàu hải cảnh Trung Quốc CCG3210. Ngay sau khi CCG3210 cùng tàu cá và ngư dân Trung Quốc rời đi, thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh của Hiu Macan 001 hoạt động trở lại...

Tác giả bài viết: Phương Đăng (theo National Interest)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP