Chủ trương thu hút nhân tài không phải mới và không ít địa phương trên cả nước từng hô hào, trải thảm đỏ mời nhân tài về địa phương công tác với các chế độ đãi ngộ. Nhiều địa phương chủ động xây dựng triển khai các đề án về sử dụng nguồn lực chất xám tại chỗ bằng tạo nguồn, đưa đi đào tạo, tiếp nhận, bố trí chỗ làm sau khi ra trường. Đồng thời chế độ cử tuyển vẫn được một số địa phương duy trì để có nguồn cán bộ cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu… Tuy nhiên, xét về hiệu quả, vẫn còn nhiều nơi không thành công, nhiều người trong diện không trụ được lâu, đã rời đi vì nhiều lý do, chấp nhận bồi hoàn chi phí do phá vỡ cam kết theo hợp đồng. Những trường hợp còn lại cũng không phải đều hoàn hảo trong việc bố trí, sử dụng, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực. Theo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, từ năm 2004 đến nay có 93 học viên xin rút khỏi đề án, trong đó 40 người xin rút khỏi đề án khi đang công tác, 47 trường hợp bị buộc ra khỏi đề án. TP đã thu hồi 89 tỉ đồng từ các học viên rời khỏi đề án.
Khi sử dụng nhân lực không đúng chuyên môn; môi trường làm việc không phù hợp; việc đối xử, đãi ngộ thiếu công bằng đã tước đi cơ hội chứng tỏ tài năng một cách chính đáng cùng với hoài bão cống hiến bằng trí tuệ, tâm huyết của người khác. Đó là sự lãng phí chất xám, gây ra hậu quả lớn là tác động tâm tư, tình cảm, hiệu quả công việc, nhiều người dứt áo ra đi, tìm chỗ làm mới để thi thố năng lực, chấp nhận bồi thường chi phí. Khi đã có phép thử sai về một phía nào đó, đã xác định không đúng thì việc ra đi là lựa chọn tốt nhất có thể.
Ngay trong chính sách cử tuyển cũng để lại hậu quả về chất lượng nhân sự. Không ít người diện này ỷ lại, chẳng lo học hành, suốt ngày nhậu nhẹt cũng được tốt nghiệp. Về nhận nhiệm sở lại không chịu trau dồi, học hỏi chuyên môn, nên là bác sĩ thì tay nghề kém, gây ra sự cố y khoa; là chuyên viên thì tham mưu trật lất, chương trình, dự án cứ dở dở ương ương còn họ vẫn nhận lương đều đều, xem như những kết quả đó là chuyện của ai khác, không phải của mình.
Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, báo cáo quyết toán ngân sách Chính phủ năm 2016 trình tại kỳ họp Quốc hội ngày 22-5 cho biết một số bộ ngành, địa phương có biên chế công chức vượt chỉ tiêu biên chế Bộ Nội vụ giao 5.087 người; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người. Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi ngân sách nhà nước 859 tỉ đồng. Đó là con số một năm thôi, về số người và kinh phí. Hàng chục năm qua, sẽ là một sự lãng phí đến rùng mình.
Chủ trương đúng nhưng thực hiện không đúng cũng làm cho tính chất bị lệch đi, hiệu quả sụt giảm, tốn kém tiền của nhân dân nuôi bộ máy. Sử dụng người tài đòi hỏi phải có tâm, có sự trân trọng, cầu hiền, họ mới quên mình phụng sự.
Tác giả: THUẬN THÀNH
Nguồn tin: Báo Người lao động