Giới trẻ

Sếp bất công, bắt chẹt, nhân viên lũ lượt nghỉ

Nhiều người thắc mắc: “Vì sao anh A, cô B nhảy việc?”… Trong các lý do, thái độ, cách làm việc của sếp với nhân viên là yếu tố quan trọng quyết định một người có gắn bó với công việc hay không.

Thanh Tú cho rằng, sếp vui vẻ, chia sẻ, biết lắng nghe sẽ khiến nhân viên cống hiến nhiều hơn - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từng làm thêm cho một cửa hàng giày tại quận Thủ Đức (TP.HCM) nhưng sau vài tháng, Lê Thị Thanh Tú (22 tuổi, SV ĐH Ngân hàng TP.HCM) phải nghỉ việc. Theo cô, lý do lớn nhất là người quản lý nói dối, giấu quyền lợi và không bao giờ chia sẻ với nhân viên. Đặc biệt, cách cư xử không công bằng với những người mới khiến cô bức xúc hơn cả.

Cô chia sẻ: "Mình nghĩ sếp đóng vai trò quan trọng trong việc đi hay ở của nhân viên. Sếp vui vẻ, thân thiện, biết lắng nghe, chia sẻ, nhân viên mới có thể yêu quý, nể và cống hiến cho tập thể đó được".

Đồng quan điểm về việc sếp cũng là một lý do để gắn bó với công việc, Kim Hằng (25 tuổi, hiện làm tại một công ty truyền thông) cho biết: "Đều là con người, mình cũng cần được hiểu và chia sẻ. Sếp đừng nên áp bức, chỉ chăm chăm chờ nhân viên làm sai mà trừ tiền. Mình nghĩ chuyện trừ tiền là thất bại lớn nhất của việc quản lý nhân sự".

Còn Lê Tuyết Nhi (26 tuổi, nhân viên một công ty đại lý hãng tàu Hàn Quốc tại TP.HCM), cho rằng không công ty nào hoàn hảo, quan trọng nhất là ở bản thân.

Khi nhận một công việc, cô sẽ xem xét chế độ lương đầu tiên. Tuy nhiên, cô cũng tâm niệm: "Thái độ của sếp cũng quan trọng, ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc. Mình có thể từ bỏ mức lương cao để qua làm việc với một sếp tốt hơn".

Lại Thị Ngọc Khuê (25 tuổi, từng làm cho một cửa hàng FPT tại TP.HCM), chia sẻ: "Mình may mắn được làm việc với một chị sếp tốt. Chị ấy công tư phân minh và bảo vệ được quyền lợi của các nhân viên, nên mình cảm thấy thoải mái".

Ngọc Khuê may mắn vì gặp được sếp tốt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Với Khuê, sếp cũng là yếu tố quan trọng trong công việc, nhưng lý do một người nghỉ việc chưa hẳn do sếp. Sếp đóng vai trò quản lí và định hướng nhân viên phát triển về công việc lẫn một phần khả năng cá nhân. Có thể, người đó đang làm không đúng ngành mình thích, môi trường của công ty chưa phù hợp như phúc lợi chưa tốt, lương không được tăng.

Ý kiến không được thì nghỉ việc

Không may mắn gặp được sếp tốt, Tú nhiều lần cùng mọi người trong nhóm ý kiến lên cấp trên. Tuy nhiên, mọi việc không những không khả quan hơn mà còn bị ghim. Thế nên, cả nhóm quyết định nghỉ việc tập thể.

Tú tâm sự: "Tuy mình đi làm thuê, nhưng không phải muốn bắt chẹt sao cũng được. Mình cũng không đòi hỏi gì quá đáng, chỉ mong sếp hiểu mình. Đến giờ, mình vẫn thấy nghỉ việc ở đó là quyết định đúng".

Trương Thị Kim Thanh (22 tuổi, SV ĐH Ngân hàng TP.HCM), từng làm thêm tại một nhà hàng quận Tân Phú, TP.HCM 2 năm nhưng vẫn nghỉ việc vì bị đối xử thiếu công bằng. Cô kể mình phải chạy cùng lúc vài bàn để chia đồ ăn, làm lố giờ… Thế nhưng, khi có tiệc ngoài trời, quản lý không ưu tiên gọi cô đi làm.

Nhiều lần, Thanh cũng xem lại bản thân và nói chuyện thẳng thắn với quản lý là mình sai ở đâu và sửa, nhưng người này không chịu lắng nghe. Hơn nữa, chính thái độ không trọng dụng nhân viên khiến cô không chịu nổi, phải xin nghỉ việc.

Còn Ngọc Khuê chia sẻ dù chưa từng gặp sếp khó khăn, nhưng nếu sếp áp đặt hoặc ép nhân viên quá mức, không chịu chia sẻ hoặc chỉ dạy thì khó hợp tác.

Với nhiều người, mong muốn có một người sếp lắng nghe, chia sẻ là hoàn toàn chính đáng.

Tuyết Nhi tâm niệm: "Ai cũng mong muốn môi trường làm việc có sếp tâm lý, hiểu nhân viên, đồng nghiệp không ganh ghét nhau. Từ đó mình được thoải mái và làm việc hết mình. Mình thấy đó không có gì là đòi hỏi quá đáng cả".

Tác giả: HOÀNG QUYÊN

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP