Tin địa phương

Sắp hết quỹ đất, Đà Nẵng muốn phát triển phải chọn công nghệ cao

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á cho rằng, Đà Nẵng trong bối cảnh sắp hết nguồn quỹ đất mà muốn phát triển thì buộc phải lựa chọn phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

Vì sao doanh nghiệp công nghệ FDI chọn Đà Nẵng?

UBND TP. Đà Nẵng vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trong nước (1 dự án tăng vốn đầu tư) và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép trong thời gian qua trên địa bàn thành phố. Tổng vốn đầu tư của các dự án này là hơn 9.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự án Nhà máy điện tử Foxlink của Tập đoàn Foxlink (Đài Loan, Trung Quốc) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 135 triệu USD (hơn 3.167 tỷ đồng). Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ thuê 10.034 m2 diện tích nhà xưởng sẵn có, dự kiến hoàn thành xây dựng vào cuối tháng 12 năm nay và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2024.

Trong giai đoạn 1, các sản phẩm chính của Foxlink liên quan đến thiết bị truyền thông vệ tinh. Trong giai đoạn 2, tập đoàn sẽ triển khai xây dựng Nhà máy trên 113.515m2 đất thuê từ Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tổng diện tích của nhà máy dự kiến đạt 101.956m2.

Tập đoàn này phấn đấu hoàn thành việc xây dựng 43.221m2 vào tháng 6/2024 và chính thức đưa vào sản xuất từ tháng 8. Toàn bộ việc xây dựng nhà máy sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025.

Dự án Nhà máy điện tử Foxlink của Tập đoàn Foxlink (Đài Loan, Trung Quốc) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 135 triệu USD. Ảnh: T.V.

Đáng chú ý, sau khi xây dựng xong, doanh thu hàng năm ước tính đạt 1 tỷ USD. Các sản phẩm của Foxlink bao gồm các thành phần, linh kiện sản phẩm 3C, các sản phẩm năng lượng xanh với dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động. Khách hàng của Foxlink là các Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Google và HP...

Ông James Lee, Tổng giám đốc Tập đoàn Foxlink cho rằng, Foxlink có phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Tập đoàn đã đầu tư và xây dựng nhà máy tại TP.HCM vào năm 2020.

Năm 2023, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và nhu cầu của khách hàng, chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Foxlink đã thực hiện khảo sát trên khắp cả nước, từ Long An, Bình Dương, Hải Phòng đến Đà Nẵng.

"Foxlink nhận thấy môi trường đầu tư Đà Nẵng phù hợp với định hướng phát triển và kế hoạch đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam trong 20 năm tới. Trong giai đoạn nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và nộp hồ sơ đăng ký đầu tư, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ lớn từ chính quyền thành phố và Khu công nghệ cao Đà Nẵng", ông James Lee cho hay.

Theo ông James Lee, TP. Đà Nẵng vốn nổi tiếng là thành phố du lịch, tuy nhiên, trong những năm gần đây Đà Nẵng đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.

"Lựa chọn đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Foxlink cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố trong đào tạo nhân tài, góp phần xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao. Tập đoàn cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ", ông nói.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: T.V.

Chỉ có thể là công nghệ cao

Góp ý về định hướng phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn tới, ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á cho rằng, nếu lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ thông thường thì Đà Nẵng hiện nay không còn quỹ đất. Tổng thu nhập của người dân thành phố khoảng 5 tỷ USD, thu ngân sách của Đà Nẵng năm 2022 dưới 1 tỷ USD. Năm 2023 và những năm tiếp theo, nguồn thu ngân sách này sẽ còn thấp hơn khi Trung ương và thành phố có những chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, một công ty công nghiệp bán dẫn có 8.000 người nhưng mỗi năm làm ra 6 tỷ USD, cao hơn tổng thu nhập của người dân Đà Nẵng. Một công ty khác, văn phòng của họ trông rất bình thường, không cần nhiều quỹ đất nhưng họ có 8.500 kỹ sư, mỗi năm doanh thu là 3,6 tỷ USD. Và những doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu này đã có mặt tại Việt Nam cũng như tại Đà Nẵng.

"Công nghiệp bán dẫn là công nghệ cao và Đà Nẵng trong bối cảnh sắp hết nguồn quỹ đất mà muốn phát triển thì buộc phải lựa chọn phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, kỹ sư Việt Nam hiện nay đã và đang làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn, tại các công ty hàng đầu trong và ngoài nước. Về công nghệ, chính kỹ sư của Synopsys tại Đà Nẵng hiện đã làm chủ được công nghệ làm chip bán dẫn nên đây không phải là vấn đề.

Vì vậy, ông Trịnh Thanh Lâm cho rằng, lãnh đạo Đà Nẵng có tầm nhìn, các trường đại học đang giảng dạy các chương trình không khác gì với thế giới, có giáo trình đã giảng dạy bằng tiếng Anh. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2023, thành phố có 10.000 nhân lực công nghiệp bán dẫn thì Đà Nẵng nên đi theo hướng đầu ra cần bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu và điều chỉnh theo nhu cầu, điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay.

"Thành phố cần xây dựng thêm trung tâm ươm tạo tầm thế giới; đầu tư hạ tầng phần mềm cho các trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể chia sẻ với ưu đãi cao nhất; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thiết kế chip, đảm bảo tạo ra các sản phẩm cạnh tranh được ở các thị trường quốc tế", ông Lâm cho hay.

Tác giả: THÀNH VÂN

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP