Tháng 7/2018, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu ý kiến về việc địa phương này có ý định “mua lại” sân vận động (SVĐ) Chi Lăng. Dù chỉ mới là “ý định” nhưng điều này khiến dư luận vô cùng quan tâm bởi SVĐ Chi Lăng đang là tài sản kê biên trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Đà Nẵng từng kỳ vọng đầu tư SVĐ Chi Lăng thành trung tâm thương mại phức hợp. |
Kỳ vọng biến SVĐ Chi Lăng thành trung tâm thương mại
Theo tìm hiểu, năm 2010 chính quyền Đà Nẵng muốn tiến hành di dời các công trình công cộng ra ngoài trung tâm thành phố theo xu hướng của các nước tiên tiến và dùng quỹ đất từ việc di dời này làm đẹp thêm thành phố. Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư vào SVĐ Chi Lăng thành trung tâm thương mại phức hợp.
Trong công văn số 147/BC-UBND ngày 22/9/2012 của UBND Đà Nẵng báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “tình hình triển khai thực hiện dự án Khu phức hợp Thương mại dịch vụ cao tầng tại SVĐ Chi Lăng” nêu rõ: “UBND thành phố đã chỉ đạo giao Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng thông báo mời gọi đăng ký đầu tư dự án.
Thời gian gửi hồ sơ đến hết 16 giờ ngày 6/10/2010 tại địa chỉ công ty số 63 đường Thái Phiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng báo cáo chưa có đơn vị nào gửi hồ sơ đăng ký đầu tư dự án này”.
Vào thời điểm này, kinh tế đang suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng nên rất khó có nhà đầu tư trong nước nào có thể đầu tư vào dự án trên. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư.
Sau khi hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án, ngày 28/12/2010, Tập đoàn Thiên Thanh đã thanh toán số tiền chuyển nhượng phần diện tích 55.061m2 tại SVĐ Chi Lăng với giá 1.253 tỷ đồng (được giảm 139 tỷ đồng so với tổng số tiền 1.393 tỷ đồng do nộp tiền một lần).
Chính quyền Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, Tập đoàn Thiên Thanh tiến hành các bước đầu tư dự án, đề nghị UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng từ ngày 30/6/2011.
Tập đoàn này đã báo cáo phân kỳ đầu tư và được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại Văn bản số 10564/QĐ – UBND ngày 19/12/2012, thuê tư vấn nước ngoài khảo sát thị trường, nghiên cứu lập phương án kinh doanh…
Đến cuối năm 2013, UBND TP Đà Nẵng bàn giao được khoảng 2.627m2 (4,77%). Điều này theo doanh nghiệp đã gây rất nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án như thăm dò, khảo sát địa chất, địa hình, khó khăn trong việc lập quy hoạch, thiết kế kiến trúc, mất nhiều cơ hội đầu tư, chịu cả lãi vay vốn đầu tư…
Trở ngại “trên trời rơi xuống”
Trong khi Tập đoàn Thiên Thanh đang phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc TP Đà Nẵng đang triển khai thực hiện dự án thì ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, bắt tạm giam.
Ngày 28/8/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tiến hành kê biên toàn bộ diện tích 55.061m2 của dự án SVĐ Chi Lăng để đảm bảo giải quyết trách nhiệm dân sự liên quan đến vụ án. Hơn 48 tháng qua, giai đoạn 2 của vụ án vẫn đang trong giai đoạn chờ xét xử phúc thẩm.
Dự án bị trở ngại khách quan khi chưa được bàn giao mặt bằng sạch dẫn đến chậm trễ trong triển khai thực hiện thì việc khởi tố vụ án và bị can Phạm Công Danh được Tập đoàn Thiên Thanh coi là biến cố ngoài ý muốn của doanh nghiệp cũng như UBND TP Đà Nẵng.
Đó là chưa kể, với tư cách là quan hệ giao dịch dân sự hợp pháp, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) liên quan dự án đã được thế chấp tại ngân hàng. Việc giải quyết, xem xét các vấn đề phát sinh trong thời gian tới phải chờ đợi quyết định của Tòa án để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Thiên Thanh đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét lại ý kiến thu hồi dự án vì quá trình nhận chuyển nhượng và thực hiện các nghĩa vụ đã hoàn tất. Các công ty thuộc Tập đoàn đã được cấp các GCNQSDĐ hợp pháp.
Mặt khác, để có thế tiếp tục triển khai dự án, Tập đoàn sẽ phải báo cáo xin ý kiến chấp thuận từ phía cơ quan CSĐT Bộ Công an và trao đổi thống nhất với lãnh đạo ngân hàng Xây dựng mới và các ngân hàng, tổ chức, cá nhân có quan hệ liên đới.
Theo doanh nghiệp trên, với tư cách là quan hệ giao dịch dân sự hợp pháp, 10 GCNQSDĐ liên quan dự án đã được thế chấp nhằm đảm bảo khoản vay 4.219 tỉ đồng, hiện do VNCB và Ngân hàng NN&PTNN chi nhánh Láng Hạ nắm giữ.
Việc giải quyết các vấn đề sắp tới không thể áp dụng các biện pháp hành chính như thu hồi hay giải quyết hoàn trả số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp một lần với lãi suất nhà nước, mà cần tính đến quyền lợi của Tập đoàn theo hướng định giá lại theo giá thị trường và tạo điều kiện cho Tập đoàn đề xuất các giải pháp để đảm bảo khắc phục các hậu quả thiệt hại phát sinh từ vụ án (nếu có).
Phía Tập đoàn Thiên Thanh cũng cho biết luôn nỗ lực và quyết tâm tìm kiếm đối tác có tiềm năng tài chính để hợp tác, liên doanh theo chủ trương của UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Cụ thể, ngày 11/3 vừa qua, Tập đoàn này đã ký hợp đồng tái cấu trúc với Tập đoàn Sakae Holdings (Singapore), trong đó có việc hợp tác để đầu tư và triển khai dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại SVĐ Chi Lăng.
Liên quan quá trình tổ chức thi hành án, trong đó có việc giải quyết vấn đề SVĐ Chi Lăng, các luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh đã có nhiều kiến nghị gửi lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 13/7 vừa qua, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã có Văn bản số 2525 ghi nhận kiến nghị của các luật sư về việc cần có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho Tập đoàn Thiên Thanh triển khai thực hiện thỏa thuận với đối tác nước ngoài, vừa tạo nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án, vừa hình thành khu trung tâm thương mại sầm uất.
Cơ quan này sẽ có chỉ đạo nghiên cứu quy định về thi hành án để giải quyết vụ việc đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tác giả: TV
Nguồn tin: Pháp Luật Plus