Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đã hoàn tất, từ nhân lực, cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ thi; các điều kiện in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi, coi thi, làm phách, chấm thi... của các địa phương đã hoàn tất. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ vừa có chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Hải Dương.
Nhận diện thiết bị công nghệ cao
Theo ông Lương Văn Việt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, năm nay Hải Dương có 20.052 thí sinh (TS) đăng ký dự thi THPT quốc gia. Có tới 5 trường ĐH, CĐ phối hợp cùng Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi này là Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Hải Dương, Trường ĐH Sao Đỏ, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường CĐ Hải Dương. Các điểm thi của Hải Dương đều bố trí phòng thi kiên cố, cao tầng, khu vực thi có tường bao bảo đảm an toàn. Mỗi điểm thi có 2-6 cán bộ làm nhiệm vụ giám sát phòng thi; mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi. Ngoài đoàn thanh tra lưu động, mỗi hội đồng có 2 thanh tra cố định. Cán bộ coi thi được lựa chọn có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ, nắm vững quy chế và nghiệp vụ thi.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các thành viên trong ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của tỉnh này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến việc các trường phải siết chặt kỷ luật trường thi. Ông Độ nhấn mạnh các trường phải tăng cường công tác kiểm tra cơ sở vật chất tại từng điểm thi, đồng thời chụp ảnh, photocopy hình ảnh thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng gian lận trong thi cử gửi đến từng điểm thi, giúp các giám thị nhận diện những thiết bị này. Ông Độ nhắc nhở các giám thị phải lưu ý TS không mang những vật dụng bị cấm vào phòng thi, giám thị phải được quán triệt những điểm mới trong công tác coi thi năm nay...
Chia sẻ về việc phòng chống gian lận thi cử, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho hay có nhiều cách để TS "ngụy trang" các thiết bị thông minh sử dụng để gian lận thi cử. Ví dụ bên ngoài là vỏ máy tính cầm tay nhưng bên trong là thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc tai nghe rất nhỏ, khó phát hiện. Ông Bằng cũng cho hay ở kỳ thi năm 2017, đã phát hiện TS sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đỗ, phải dùng nam châm hút ra. "Tuy nhiên, dù thiết bị để sử dụng với mục đích gian lận thi cử ngày càng hiện đại, nhỏ gọn... nhưng nếu trong phòng thi TS có dấu hiệu bất thường thì giám thị sẽ phát hiện ra ngay" - ông Bằng khẳng định.
Ông Bằng lấy ví dụ như máy tính cầm tay, nếu sử dụng bình thường, đúng chức năng, TS chỉ cần để trên bàn, nhưng nếu là thiết bị ngụy trang, có thể chụp ảnh thì phải cầm nâng cao lên. Nếu sử dụng thiết bị tai nghe không dây truyền tin, TS phải đọc lẩm nhẩm, nếu giám thị quan sát kỹ có thể thấy ngay bất thường...
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) ôn thi nước rút cho kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Tấn Thạnh |
Thanh tra 3 khâu
"Tôi cho rằng trong thi cử thì giám thị là người có vai trò quyết định đến sự nghiêm túc. Một phòng có 24 TS, một giám thị quan sát từ trên xuống, một giám thị quan sát ở dưới lên trên thì mọi hành vi bất thường của TS, giám thị đều nhìn thấy. Vì thế, nếu giám thị nghiêm túc thì phòng thi sẽ nghiêm túc" - ông Bằng nhấn mạnh. Theo chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, phòng chống gian lận thi cử hiệu quả nhất vẫn là tăng cường trách nhiệm của đội ngũ giám thị. Năm nay, sẽ có lực lượng giám sát chính các giám thị, khi cần thiết, các giám sát sẽ kiến nghị điểm trưởng thay đổi giám thị.
Nói thêm về công tác thanh tra, ông Bằng cho hay điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia 2018 là mỗi hội đồng thi có 2 cán bộ thanh tra do giám đốc sở GD-ĐT trưng tập (một của địa phương, một của trường đại học phối hợp). "Bộ đã chỉ đạo các sở bố trí lực lượng thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi. Thanh tra cắm chốt có quyền giám sát, thanh tra tất cả các đối tượng, các hoạt động ở điểm thi, từ điểm trưởng trở xuống. Cả nước có 2.144 điểm thi, như vậy cả nước có gần 4.300 thanh tra cắm chốt" - ông Bằng nói. Bên cạnh lực lượng thanh tra cắm chốt, sở GD-ĐT thành lập các đoàn thanh tra lưu động của sở và bộ. Ở các khu vực khó khăn hoặc chỗ nào phát sinh vấn đề, thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ thanh tra cắm chốt.
Theo quy định, tối thiểu 7 phòng thi sẽ có một cán bộ giám sát. Những nơi có các phòng thi cách xa nhau thì có thể 5 phòng, hoặc thậm chí 4 phòng thi một giám sát. Cán bộ giám sát là người giám sát giám thị để bảo đảm giám thị coi thi nghiêm túc. Giám sát có thể đề nghị thay giám thị nếu thấy có biểu hiện không bảo đảm công tác coi thi.
Bộ GD-ĐT cho biết thêm bộ đã tập huấn cho lãnh đạo sở GD-ĐT 63 tỉnh, thành phố thành lập các đoàn thanh tra cả 3 khâu: chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi. Ngoài ra, bộ đã phối hợp với PA83 về việc ngăn chặn gian lận trong thi cử. Tăng cường công tác tuyên truyền để tránh gian lận cho cả giám thị và TS.
Hiện nay đề thi đã sẵn sàng, công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương đã có phương án nhằm bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu. Ông Bằng khẳng định tinh thần là chú trọng cả phòng, cả chống. Giám thị tăng cường nhắc nhở TS từng buổi và giám sát chặt chẽ khi gọi TS vào phòng thi thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Còn khi đã xảy ra rồi thì bình tĩnh xử lý đúng quy chế, cần thiết thì phối hợp với lực lượng công an xử lý nhanh.
Các trường ĐH sẵn sàng hỗ trợ Cụm thi số 27 do Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa chủ trì là một trong những cụm thi có số lượng TS đăng ký dự thi THPT quốc gia lớn nhất cả nước với 35.306 TS đăng ký dự thi. Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho hay có gần 34.000 TS là học sinh lớp 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và có 1.575 TS tự do. Dự kiến có 68 điểm thi đặt tại các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số 1.545 phòng thi. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Thanh Hóa sẽ huy động khoảng 5.200 người phục vụ thi. Trong đó, có 1.900 cán bộ của các trường ĐH: Sư phạm Hà Nội, Thủy lợi, Điện lực, Hồng Đức, Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa sẽ bố trí cán bộ coi thi ở từng điểm thi bảo đảm nguyên tắc: Có giám thị đến từ 1 trường ĐH trung ương, 1 trường ĐH địa phương và có cán bộ coi thi đến từ trường THPT. Riêng giám thị coi thi là giáo viên THPT mỗi điểm thi ít nhất đến từ 2 trường khác nhau. Không có cán bộ giáo viên nào trực tiếp coi thi tại đơn vị mình công tác. Đồng thời, ở các khâu khác của kỳ thi như coi thi, chấm thi, thanh tra, giám sát… đều có sự tham gia của cán bộ đến từ các trường ĐH. L.Anh |
Không để TS có hoàn cảnh khó khăn bỏ thi Ngày 21-6, thông tin từ Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, địa phương có 13.068 TS dự thi, với 27 điểm thi, 1.420 cán bộ coi thi. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thông tin: "Thực hiện chủ trương của lãnh đạo TP, không để TS nào khó khăn mà bỏ thi nên ngành giáo dục có tổ chức phục vụ nấu cơm trưa cho cán bộ coi thi và TS trong các ngày diễn ra thi. Tổng kinh phí để thực hiện cho việc này hơn 750 triệu đồng từ sự hỗ trợ của mạnh thường quân, hội phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương". Còn tại Vĩnh Long, kỳ thi THPT quốc gia sắp tới có 10.000 TS dự thi, với 23 điểm thi, gần 1.000 cán bộ coi thi. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Hồng khẳng định tỉnh sẽ không để bất kỳ TS nào có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ thi. Các ngành chức năng tỉnh và mạnh thường quân sẽ tổ chức nấu cơm cho TS với hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày. Các suất cơm đều bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tại 2 địa phương trên còn có lực lượng thanh niên tình nguyện được huy động để hướng dẫn TS và phụ huynh tìm nhà trọ và xe đưa đón giá rẻ. C.Linh - V.Du |
Tác giả: YẾN ANH
Nguồn tin: Báo Người lao động