Đội Đà Nẵng - Việt Nam đang kiểm tra hệ thống bắn pháo hoa trước giờ khai hỏa. Ảnh: NGUYÊN KHÔI |
Hiện nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, hứa hẹn một đêm “đại tiệc” ánh sáng trên bầu trời Đà Nẵng, mang lại cho người dân và du khách những màn trình diễn độc đáo và bất ngờ.
Pháo đã lên nòng
Cảng sông Hàn, phía đường Bạch Đằng cả tuần qua được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là “trận địa” pháo với hàng ngàn quả pháo hoa của các đội dự thi DIFF 2018 lắp đặt chờ giờ khai hỏa.
DIFF 2018 có chủ đề “Huyền thoại những cây cầu” diễn ra trong vòng 2 tháng, khai mạc ngày 30-4 và bế mạc vào đêm 30-6. Năm nay, điểm đặc biệt của đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam đó là màn trình diễn pháo hoa ở độ cao 60m. Với sự đầu tư bài bản từ công nghệ lẫn kỹ thuật trình diễn, màn trình diễn của đội Đà Nẵng - Việt Nam hứa hẹn là đêm trình diễn mãn nhãn.
Ông Huỳnh Ngọc Chính, Đội trưởng đội pháo hoa Đà Nẵng, cho biết, việc lắp pháo vào nòng đã hoàn tất. Hơn 4.000 quả pháo sẽ được bắn ở độ cao 60m, màn trình diễn pháo hoa quay, xoay ở độ cao này sẽ tạo hiệu ứng ánh sáng độc lạ, kể câu chuyện văn hóa, lịch sử của đất nước Việt Nam bằng sự sắp đặt ánh sáng pháo hoa. Ông Chính tiết lộ, ban đầu, pháo hoa sẽ được trình diễn trên nền nhạc nhẹ nhàng thể hiện khung cảnh miền quê Việt Nam, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa…Về sau sẽ chuyển đổi nền nhạc mạnh hơn, nhanh hơn thể hiện được tính hội nhập quốc tế, hữu nghị và hòa bình.
Trong khi đó, Ông Jaroslaw Daniel Suzdalewicz, Đội trưởng đội pháo hoa Ba Lan chia sẻ: “Chúng tôi sẽ trình diễn bắn pháo ở 13 điểm bắn đã lắp đặt cố định, trong đó có 2 điểm bắn cực kỳ độc đáo. Màn trình diễn pháo hoa sẽ được kết hợp với 25 bài hát, phần lớn là nhạc Rock. Năm nay, màn trình diễn của đội Ba Lan có những màn pháo hoa đặc biệt để tưởng niệm ông Joe Ghazzal - vị Giám đốc tiền nhiệm của Global 2000, người đã gắn bó, đồng hành cùng các đội pháo hoa với ước mơ biến Đà Nẵng trở thành thủ đô của những lễ hội pháo hoa.
Siết chặt quản lý giá dịch vụ
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, tính đến 30-4, trên địa bàn Đà Nẵng có 712 cơ sở lưu trú du lịch với 29.735 phòng, tăng 113 cơ sở với 7.355 phòng so với cùng kỳ năm 2017. Trong dịp lễ 30-4 và 1-5, tổng lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng ước đạt 119.624 lượt khách, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế ước đạt 53.108 lượt, tăng 18,4%, khách nội địa ước đạt 66.516 lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017. Công suất buồng phòng bình quân ước đạt 70%-75%.
Do lượng khách đổ về Đà Nẵng đông, UBND TP Đà Nẵng có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức siết chặt quản lý giá dịch vụ, từ lưu trú, ăn uống cho đến giá giữ xe. Trong đó, chú trọng công tác quản lý giá, tập trung vào việc kê khai, niêm yết giá với các dịch vụ lưu trú du lịch, vận tải du khách bằng taxi, xe buýt, phương tiện thủy nội địa… nhằm không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý. “Nếu cơ sở nào vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá cả và chất lượng sản phẩm, ngoài bị xử lý hành chính chúng tôi sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông, khuyến nghị khách hàng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng đó”, ông Trần Chí Cường cho biết.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại sự kiện lễ hội pháo hoa cũng được tăng cường. Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, giữa tháng 4-2018, quận đã triển khai lập lại trật tự đô thị vừa phục vụ pháo hoa vừa phục vụ chung cho cả mùa hè; quán triệt các đối tượng buôn bán hàng rong không được chèo kéo khách. Đặc biệt, quận đã ban hành kế hoạch tổng thể trên tất cả các lĩnh vực từ an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bình ổn giá. Quận cũng thành lập 20 tổ bình ổn giá tại 5 điểm thuộc 2 phường An Hải Bắc và Nại Hiên Đông. Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường cho quận 61 cán bộ quản lý thị trường để tham gia các tổ bình ổn giá.
Tuy vậy, một vấn đề đáng quan tâm tại lễ hội pháo hoa năm nay chính là công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách. Những ngày này, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đã được triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã thực hiện hàng loạt nội dung nhằm tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm như thành lập 4 đội phản ứng nhanh để kịp thời điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm nếu có xảy ra; thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm của người dân, du khách, các cơ sở y tế, các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn thành phố… Ngoài ra, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là tập trung vào các bếp ăn tập thể, cơ sở thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội, bữa ăn tập trung đông người....
Tác giả: NGUYÊN KHÔI - NGỌC PHÚC
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng