|
Cụ thể, trong năm 2017, Liên minh Renault-Nissan đã đạt tổng doanh số 10,61 triệu xe; trong đó, thành viên mới - Mitsubishi đóng góp 1,03 triệu xe, Nissan đạt doanh số kỷ lục 5,82 triệu xe, và Renault bán được 3,76 triệu xe.
Trong khi đó, Volkswagen đạt doanh số 10,53 triệu xe, và Toyota lùi xuống đứng thứ 3 với 10,2 triệu xe bán ra.
Ông Carlos Ghosn - chủ tịch kiêm CEO của Renault-Nissan-Mitsubishi cho biết sự thăng hoa này thể hiện độ phủ toàn diện của danh mục sản phẩm của liên minh, sự hiện diện trên thị trường toàn cầu, cũng như sức hấp dẫn khách hàng của các công nghệ của hãng.
Bộ ba Renault-Nissan-Mitsubishi hiện bán xe ở hơn 200 nước trên thế giới, với tổng cộng 10 thương hiệu, gồm: Renault, Nissan, Mitsubishi Motors, Dacia, Renault Samsung Motors, Alpine, Lada, Infiniti, Venucia và Datsun.
Ngành công nghiệp ô tô đang nỗ lực đạt doanh số lớn để có lợi thế quy mô cần thiết, từ đó cho phép các nhà sản xuất cắt giảm chi phí trong bố cảnh cần rất nhiều vốn đầu tư để phát triển công nghệ mới, trong đó có xe tự lái, động cơ điện...
Liên minh Renault Nissan có ý định biến quy mô sản xuất trở thành một lợi thế và dùng nó để tăng gấp đôi số tiền kiết kiệm lên mức 12 tỷ USD vào năm 2022, với mục tiêu tăng doanh số lên 14 triệu xe.
Toyota cũng có hướng đi tương tự, khi bắt tay với Mazda và Suzuki để chia sẻ chi phí phát triển xe chạy điện và các công nghệ mới khác.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sản xuất ô tô đều xem đây là cách để gia tăng hiệu quả và lợi nhuận. Ví dụ, GM đã kết luận rằng quy mô không phải vấn đề lớn, nên quyết định bán đi bộ phận tại châu Âu của mình là thương hiệu Opel và Vauxhall cho PSA vào năm ngoái, nhằm tập trung nguồn lực vào các bộ phận sinh lời tốt hơn.
Chiến lược của GM có vẻ hiệu quả, vì tập đoàn đã công bố tỷ suất lợi nhuận 6,8% trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2017, cao hơn mức 5% của Nissan, 4,3% của Mitsubishi và 4,8% của Renault.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí