Giáo dục

'Rể Tây' tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em Mỹ Lai

Từ mối tình với người vợ Việt, cũng như thấu hiểu nỗi đau chiến tranh, Bruno xem Mỹ Lai là quê hương thứ hai của mình, nguyện đóng góp cho những đứa trẻ nơi này có một tương lai tươi sáng hơn.

Bruno chụp ảnh lưu niệm cùng đám trẻ Mỹ Lai.

Gần 3 năm nay, tại làng Mỹ Lai (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) có một lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em do chàng "rể Tây" Bruno Cerigvat (SN 1965, quốc tịch Pháp) giảng dạy.

Coi như người nhà

Bruno cưỡi chiếc xe máy vừa đến Trường Mầm non Hoa Cương (TP Quảng Ngãi), một nhóm trẻ đồng thanh nói “Hello” rồi chìa tay ra đón những cái bắt tay của Bruno đầy trìu mến. Gặp Bruno trên đường, ai cũng niềm nở chào anh bằng một nụ cười hay một cái bắt tay như thế.

Hôm ấy, Bruno được trường mầm non mời đến giao lưu tiếng Anh trong buổi sinh hoạt ngoại khóa. Còn các lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ em địa phương của chàng rể này được tổ chức ở Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê.

Phần lớn học sinh theo học đều là con cháu của những nông dân nghèo ở xã Tịnh Khê. Các em không có điều kiện học ở các trung tâm ngoại ngữ nên được Bruno dạy miễn phí.

Gương mặt trẻ hơn tuổi, giản dị và thân thiện. Nói về nguyên cớ dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo nơi đây, Bruno bảo, sau khi theo vợ về định cư tại đây, anh thấy những đứa trẻ hiền lành nhưng sớm vất vả. Ngoài giờ học, các em phải chăn trâu hay giúp mẹ làm đồng. Bọn trẻ hồn nhiên nhưng thường ngại tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là với người nước ngoài như anh.

Muốn trò chuyện với bọn trẻ, Bruno chỉ còn cách kiên nhẫn đứng ở cổng trường vào giờ tan trường làm quen với các em. Ban đầu là ánh mắt, nụ cười, cái vẫy tay thân thiện. Sau đó, anh hỏi chuyện và ngỏ ý muốn dạy tiếng Anh miễn phí.

Khó ở chỗ anh là người Pháp, tiếng Anh cũng là ngoại ngữ nên muốn giúp các em thì anh phải nỗ lực gấp đôi những người vốn dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Tình yêu với đám trẻ là động lực để anh lục lại vốn tiếng Anh thời phổ thông rồi tự rèn luyện thêm.

Ban đầu, lớp học tiếng Anh của Bruno được tổ chức tại nhà cô Cao Thị Bích Lựu, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê. Một thời gian sau, Ban Giám hiệu nhà trường biết được việc làm ý nghĩa của anh nên xin thành lập CLB Tiếng Anh Bruno và nhờ anh đảm trách giảng dạy cho học sinh nhà trường.

Đến nay, sau gần 3 năm CLB ra đời, Bruno đã tổ chức 3 lớp tiếng Anh, mỗi lớp khoảng 20 học sinh, học 3 buổi/tuần. Không dạy ngữ pháp theo lối mòn, trong mỗi tiết học, Bruno đã giúp các em có thêm kiến thức về kỹ năng nghe, nói, giao tiếp thông qua những trò chơi, bài hát sinh động.

“Lớp học của thầy Bruno lúc nào cũng sôi động, vui nhộn, chúng em rất thích”, em Nguyễn Đắc Nhân (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê, đạt giải trong kỳ thi tiếng Anh cấp tỉnh) cho biết.

Cô giáo Cao Thị Bích Lựu chia sẻ: “Mỗi khi gặp nhau, Bruno thường chào bọn trẻ bằng cách đưa tay vỗ vào tay các em. Lối chào “phi ngôn ngữ” vẫn được duy trì đến bây giờ. Người trong làng bây giờ nghe tiếng đôi tay chạm vào nhau hoặc từ xa thấy hai người chạm tay là biết ngay đó là thầy Bruno”.

Sốc với nỗi đau “làng thảm sát”

Không phải ngẫu nhiên mà Bruno chọn thôn Mỹ Lai là điểm dừng chân, để rồi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo nơi đây. Với anh, mối lương duyên với chị Nguyễn Kiều Chinh (ngụ thôn Mỹ Lai) là bước ngoặt để anh gắn bó với mảnh đất nơi này.

Bruno bảo mình từng nhiều năm phục vụ trong quân đội Pháp. Sau khi xuất ngũ, anh làm việc ở TP. Lyon. Tại đây anh giúp nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam tìm được nơi ăn ở, làm thêm. Năm 2007, theo lời rủ rê của những sinh viên Việt từng được anh giúp, anh sang mảnh hình chữ S này để du lịch, khám phá.

Sau khi thăm nhà của những người bạn ở TP HCM, Tây Ninh, Bruno một mình một túi theo chuyến tàu ra TP Đà Nẵng, TP Hà Nội tiếp tục chuyến du lịch, khám phá. Càng đi anh càng thấy mến người Việt Nam năng động và hiếu khách nên quyết định lưu lại lâu hơn.

Lúc đầu, anh tham gia dạy tiếng Pháp tại một trung tâm ngoại ngữ gần Hồ Tây (TP Hà Nội) rồi vào TP HCM tiếp tục dạy học ở Trung tâm ngoại ngữ quận Phú Nhuận. Tại đây, anh đã quen với cô sinh viên Nguyễn Kiều Chinh.

Trong thời gian yêu nhau, Bruno lần đầu tiên được trải nghiệm cuộc sống ở quê người yêu - nơi được biết đến với tên gọi “làng thảm sát” bởi từng xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng gây chấn động thế giới khi lính Mỹ giết hại 504 thường dân vô tội vào ngày 16/3/1968.

Bruno xúc động kể: “Lần đầu vào phòng trưng bày của Khu chứng tích Sơn Mỹ (hay còn gọi Khu chứng tích Mỹ Lai), trong ánh sáng nhợt nhạt, tôi nhìn thấy một bảng bia ghi tên người bị thảm sát. Tên nạn nhân nối đuôi nhau, hầu hết là người già và trẻ em, tôi thật sự sốc. Rồi sau đó nhìn thấy những bức ảnh cận cảnh, trong đó có bức ảnh lính Mỹ chĩa nòng súng vào người già, hay quăng người xuống giếng rồi ném lựu đạn xuống, tôi bị ám ảnh vô cùng”.

Bruno tìm đọc các bài báo, tư liệu về vụ thảm sát Mỹ Lai và hầu như ngày nào cũng ghé thăm Khu chứng tích để ngẫm nghiệm về nỗi đau chiến tranh hoặc chuyện trò với khách nước ngoài khi họ cần trợ giúp. Những lời thuyết minh của Bruno tạo được sự đồng cảm của nhiều khách nước ngoài.

“Phía bên trong Khu chứng tích còn đó những bức ảnh, những tư liệu hiện vật ngập tràn nỗi đau. Nhưng bên ngoài Khu chứng tích, cánh đồng lúa lên xanh rì, thấp thoáng cánh cò. Tôi hiểu theo thời gian rồi vết thương cũng liền thịt da. Nhưng cho dù vết thương có lành thì cũng để lại vết sẹo trong lòng người”, Bruno chia sẻ.

Chỉ 2 năm sau đó, Bruno quyết định rời nước Pháp, sang Việt Nam cưới Kiều Chinh và định cư lâu dài ở quê vợ.

Quê hương thứ hai

Sống ở quê vợ, Bruno trở thành một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, anh tổ chức những chuyến du lịch lên miền núi cho du khách ngoại quốc. Còn Kiều Chinh làm việc tự do qua mạng internet trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Sau gần 10 năm gắn bó với Quảng Ngãi, chu du khắp miền xuôi, miền ngược, Bruno thuộc từng ngõ ngách, biết phong tục của đồng bào người Kor, người H’re… quen mặt ngư dân ở bến cảng Sa Kỳ, thuộc cả mã số trên biển số xe thuộc địa phương nào.

“Tôi yêu nơi này. Tôi muốn tìm hiểu tất cả mọi thứ ở đây. Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Tôi muốn trở thành công dân Việt Nam”, Bruno nói.

Không chỉ dạy tiếng Anh miễn phí ở Tịnh Khê, Bruno còn tham gia luyện tiếng Anh cho trẻ em ở Nhà thiếu nhi TP Quảng Ngãi, các trường mầm non trong những buổi sinh hoạt, rồi luyện nói cho sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP HCM chi nhánh ở Quảng Ngãi.

Cũng từ nơi này, anh đến với chiến dịch Mùa hè xanh, đi tới những bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Tơ, huyện Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Người dân trên vùng đất gian khó ấy ngỡ ngàng vì có ông Tây cùng các sinh viên tình nguyện chặt cây, khiêng gỗ về làm nhà, biết dạy cho lũ trẻ học bơi, học nói tiếng Anh.

Sau những giờ phút bận rộn công việc, Bruno thư thả chơi đàn, chăm sóc vườn nhà, tâm tình bên người vợ giữa không gian thanh bình ở làng quê Mỹ Lai.

“Tôi thật sự hạnh phúc vì có người chồng giỏi giang, tốt bụng, lúc nào anh cũng lạc quan yêu đời. Anh ví quê vợ là quê hương thứ hai và tin rằng tương lai những đứa trẻ nơi đây rồi sẽ tươi sáng hơn”, chị Kiều Chinh chia sẻ.

Tác giả: Phùng - Mỹ

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP