Xã hội

Rắn bò vào nhà tấn công, người đàn ông nhập viện cấp cứu

Đang ở trong nhà, người đàn ông bất ngờ bị 1 con rắn chui vào cắn ở tay. Người thân đã chụp lại hình ảnh con rắn. Sau đó, đưa người đàn ông đi cấp cứu.

Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một trường hợp người bệnh vào viện khi bị rắn hổ mang cắn giờ thứ 1, thông tin trên Tạp chí Tri Thức.

Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước khi vào viện 30 phút, người đàn ông đang ở trong nhà thì bị rắn cắn. Gia đình đã chụp lại được hình ảnh con rắn này. Thấy ngón tay đau nhiều, gia đình nhanh chóng đưa người bệnh đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy.

Sau khi bị rắn cắn, nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, thậm chí không cứu được. Ảnh minh họa

Sau khi thăm khám kết hợp với tham khảo hình ảnh do gia đình chia sẻ, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn giờ thứ 1. Người bệnh cũng lập tức được thực hiện các sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục theo dõi và điều trị.

VietNamNet dẫn lời Bác sĩ chuyên khoa I Phùng Thị Thúy Nga, phụ trách Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, cho biết số người nhập viện do bị rắn độc cắn có xu hướng gia tăng vào mùa mưa.

Khi bị rắn độc cắn, người bệnh sẽ đau rát tại vết thương trong vòng 15-30 phút. Vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da.

Nạn nhân còn xuất hiện một số dấu hiệu khác như buồn nôn, khó thở, cảm giác cơ thể yếu dần đi, thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng, nói khó, mờ mắt, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim… thậm chí ngưng thở do liệt các cơ hô hấp.

Bác sĩ Nga nhấn mạnh việc sơ cứu khi bị rắn độc cắn rất quan trọng. Nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, thậm chí không cứu được.

Ngay khi rắn độc tấn công, nạn nhân cần được sơ cứu đúng cách, với mục đích làm cho nọc độc từ vết cắn xâm nhập vào cơ thể chậm hơn và ít hơn. Bệnh nhân nên được cho nằm bất động hoặc băng ép bất động chân, tay bằng nẹp, tránh đi lại, vận động sẽ khiến chất độc ngấm nhanh hơn.

Duy trì băng ép khi vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân khó thở trên đường, cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: nhập viện , rắn cắn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP