Dọc các đường giao thông nông thôn ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hầu như nhà nào cũng chất 1 đống rác chất trước cổng chờ xe đến chở. Nhưng ngày qua ngày, không thấy xe chở rác đâu. Chính quyền xã đành thuê xe thu gom chở đến đổ gần công trình xây dựng của Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Nơi đây khá gần với khu dân cư, bên hàng rào dự án nên người dân và công nhân “lãnh đủ”. Trời nắng, mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác khiến ai đi qua đây cũng nhăn mặt bịt mũi. Trời mưa thì nước từ trong các bao rác chảy tràn ra ngoài, dòi bọ cũng theo đó bò ra.
Chị Nguyễn Thị Tám quê ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam làm thuê tại công trình xây dựng của Dự án Nam Hội An cho biết, cứ mỗi lần gió thổi về hướng công trình thì công nhân ai nấy phải bịt mũi. Lao động vất vả, đến trưa mới được nghỉ đi ăn cơm thì quán cơm lại quá gần bãi rác. Ngặt nỗi, chủ công trình đặt cơm trưa tại đây nên ai cũng phải ra đây ăn.
Bãi tập kết rác bất đắc dĩ gần công trình xây dựng Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. |
“Ngày nào xe ben chở rác đổ ở đấy, không thấy xử lý gì, mất vệ sinh. Ăn ở đây dễ bị ngộ độc quá, vì vừa ăn vừa đuổi ruồi. Chúng tôi mong chờ họ dời đống rác này đi nơi khác, vì công trình làm từ 2 đến 3 năm. Bãi rác cách quán cơm mấy mét. Nhà thầu đặt ở đây nên phải ra đây ăn”- chị Tám than phiền.
Giống như cách xử lý phổ biến hiện nay, khách hàng không nộp tiền điện thì cắt điện, không nộp tiền nước thì cắt nước. Công ty Môi trường Đô thị Quảng Nam cũng áp dụng biện pháp này đối với những nơi không nộp đủ tiền theo hợp đồng thu gom, vận chuyển rác.
Quán cơm gần bãi rác, công nhân vừa ăn vừa lo. |
Xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên hiện đang nợ Công ty hơn 100 triệu đồng tiền thu gom rác nên phải chịu cảnh rác thải bủa vây, ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên cho biết, hiện nay khoảng 60% số hộ dân của xã đã nộp tiền rác, còn lại khoảng 250 hộ chưa chịu nộp. Chính quyền xã phân công 5 tổ tiến hành họp dân tại 5 thôn trên địa bàn, vận động người dân nộp tiền rác 20.000 đồng/tháng, đối với những gia đình khó khăn thì được xem xét miễn giảm. Tuy nhiên, rất khó để thu đủ số tiền còn nợ của Công ty.
Ông Thống cũng cho biết, hiện nay ngoài lượng rác ứ đọng trong từng hộ dân còn có rác thải sinh hoạt của hàng ngàn công nhân tại công trình xây dựng Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
“Mong muốn của địa phương là cán bộ Công ty Môi trường Đô thị có thể đến trực tiếp từng hộ, còn xã hỗ trợ thêm. Hiện nay chính quyền vừa lo việc thu gom, vừa trả tiền cho người đi thu phí, thêm phí môi trường nữa nên không đủ tiền để trả”- ông Thống cho biết.
Rác chất thành đống, ruồi nhặng bâu đầy. |
Hiện nay, nhiều địa phương ở Quảng Nam rơi vào cảnh tương tự. Chẳng hạn như huyện Thăng Bình nợ hơn 1 tỷ đồng tiền thu gom rác nên rác thải cứ thế ùn ứ. Ông Đoàn Kim Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Quảng Nam cho biết, tổng số nợ tiền thu gom rác tại các địa phương hơn 10 tỷ đồng. Riêng đối với xã Duy Hải, do nợ quá lâu (từ tháng 4 đến nay), Công ty đã nhiều lần làm việc, gửi văn bản đề nghị nhưng địa phương vẫn chưa xử lý được nợ.
Ông Thịnh cho rằng, “thâm tâm” những người làm công tác môi trường cũng muốn thu gom đến bãi tập kết để môi trường được trong lành, nhưng làm như vậy thì người dân cứ ỷ lại không chịu nộp.
“Theo hợp đồng kinh tế, sau thời gian không hợp tác, không chi trả theo thỏa thuận hợp đồng, chúng tôi có quyền tạm dừng. Khi nào địa phương thanh toán, chúng tôi sẽ thực hiện lại như bình thường. Công ty không quan tâm tới nguồn từ đâu của UBND xã, nhưng theo tôi được biết thì có 2 nguồn. 1 nguồn là thu từ cộng đồng, 1 nguồn được hỗ trợ từ UBND huyện. Từ 2 nguồn đó chi trả cho Công ty một phần và chi trả cho bộ phận thu gom tại địa phương. Nhiều nơi mà như Duy Hải hết thì chắc Công ty cũng phá sản”- ông Đoàn Kim Thịnh cho biết./.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo VOV