Giáo dục

Quy trình xử lý kỷ luật cô giáo lên lớp không giảng bài

Trong tuần này, Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) sẽ tổ chức họp hội đồng kỷ luật để đưa ra mức kỷ luật đối với cô Trần Thị Minh Châu - người lên lớp không giảng bài, không nói chuyện trong nhiều tháng liền.

Thầy Bùi Minh Bình, hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, Nhà Bè cho hay, ngay sau khi sự việc cô giáo nhiều tháng lên lớp không nói, không giảng bài được thông tin, nhà trường đã lập tức tìm hiểu, xác minh.

Về quy trình kỷ luật đối với sai phạm của cô Minh Châu sẽ được xử lý theo Nghị định 27 của Chính phủ về việc quy định xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Quan điểm xử lý của trường là làm nghiêm, đúng mức độ vi phạm, đúng pháp luật.

Cô Minh Châu và em Song Toàn trong buổi đối thoại sau sự việc em Toàn phán ánh cô nhiều tháng lên lớp không giảng bài lên Sở GD-ĐT TPHCM

Thầy Bình cho biết, trước mắt cô Châu phải làm bản kiểm điểm, cô sẽ bị phê bình trước hội đồng sư phạm. Cuối tuần này nhà trường sẽ tổ chức họp hội đồng kỷ luật để đưa ra mức kỷ luật đối với sai phạm của cô. Khả năng đầu tuần sau, nhà trường sẽ thông tin về mức độ kỷ luật của cô Châu.

Thầy Bùi Minh Bình cũng thông tin, nhà trường cũng tổ chức buổi đối thoại giữa cô Châu và học sinh lớp 11A1 để hai bên cùng trao đổi, chia sẻ những khúc mắc, lãnh đạo nhà trường không tham dự. Trước mắt thì lớp học đã trở lại bình thường, cô Châu lên lớp dạy và tương tác với các em học sinh.

Khi sự việc xảy ra, thầy Bùi Minh Bình rất cởi mở thông tin đến báo chí, không né tránh, không biện hộ và luôn thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là về kênh thông tin từ trò - đến giáo viên chủ nhiệm - đến ban giám hiệu đã không phát huy hiệu quả. Thầy lấy làm tiếc khi sự việc xảy ra trong thời gian dài mà kh em Toàn phản ánh lên Sở, thông tin trên báo chí thấy mới biết.

Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, thầy Bình cũng mong dư luận hãy thông cảm, nhân văn với cô Châu cũng như mong muốn sai phạm của cô sẽ do ngành giáo dục xử lý.

Về phía Sở GD-ĐT TPHCM, sẽ dựa trên cơ sở đề xuất mức kỷ luật từ phía nhà trường, từ đó xem xét cân nhắc mức độ kỷ luật hợp lý dựa trên mức độ vi phạm. Việc xử lý quản lý lãnh đạo nhà trường cũng thuộc thẩm quyền của Sở, Sở sẽ xem xét mức độ vi phạm, ai sai đến đâu chịu trách nhiệm đến đó.

Cô Trần Thị Minh Châu là người mà học sinh của Trường THPT Long Thới, Nhà Bè đã phản ánh tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở về việc cô giáo lên lớp suốt gần học kỳ nhưng không giảng bài, không nói chuyện, chỉ chép bài giảng lên bản nên học sinh phải tự học... Lớp học rất căng thẳng, học sinh sợ hãi.

Trước đây, vào năm 2012, khi cô Châu công tác tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã ra có quyết định kỷ luật cảnh cáo cô Châu vì vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách nhà giáo, xâm hại môi trường sư phạm.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP