Xã hội

Quy hoạch phát triển du lịch chứ đừng bất động sản hóa Sơn Trà

“Với việc bảo tồn một Sơn Trà nguyên sơ sẽ mang lại giá trị văn hóa và lịch sử của cả nước, không riêng gì cho Đà Nẵng. Đặc biệt, quy hoạch Sơn Trà theo hướng xanh bền vững góp phần phát triển về kinh tế, xã hội của TP. Đà Nẵng chứ đừng bêtông hóa, du lịch hóa bất động sản trên bán đảo Sơn Trà như những con số hàng nghìn buồng phòng và biệt thự như hiện nay” - TS. Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế và Tài nguyên môi trường chia sẻ với Lao Động.

TS Phạm Viết Thuận nhận định, không nên để bất kỳ loại hình lưu trú nào tại Sơn Trà. Ảnh: TT

Bêtông hóa Sơn Trà, Đà Nẵng mất nhiều hơn được

Chào ông, vấn đề về quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thời gian qua đang được dư luận quan tâm. Vậy, là một nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế tài nguyên và môi trường, ông đánh giá như thế nào về việc quy hoạch Sơn Trà với số lượng 1.600 buồng phòng, đón khách nghỉ dưỡng và cho rằng đó là hướng đi để Sơn Trà trở thành khu du lịch quốc gia?

Xét về mặt định hướng, phát triển du lịch tại Đà Nẵng là phù hợp với quy luật phát triển đô thị đặc biệt là đô thị loại 1 như Đà Nẵng. Tuy nhiên có điều bất ổn trong tiêu chí quy hoạch Đà Nẵng là áp đặt tiêu chí chủ quan khi lập nhiệm vụ quy hoạch. Đó là chúng ta luôn tìm cách làm sao cho có 1.000ha để tiêu chí theo Luật du lịch.

Về cơ bản quy hoạch phát triển vùng hay quy hoạch có quy mô lớn phải dựa trên nhiều tiêu chí trong đó có địa hình hiện trạng, bản đồ hiện trạng, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái, đặc biệt là hạ tầng xã hội sau quy hoạch khu vực cần được quy hoạch.

Vì vậy, việc quy hoạch 1.600 phòng hay việc UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy phép cho 1.920 căn biệt thự trên bán đảo Sơn Trà từ trước là duy ý chí. Nói về chuẩn mực quốc tế thì nếu làm điều đó để phát triển về du lịch tại Sơn Trà thì lại càng không phù hợp. Bởi trên thế giới không mô hình nào có thể áp dụng cho Sơn Trà khi đây là một trong những khu có tính đặc thù nhất thế giới.

Vậy theo ông sự bất cập ở quy hoạch Sơn Trà hiện nay đang ở đâu?

Theo tôi đánh giá bản chất của bản quy hoạch Sơn Trà hiện nay không phải đơn thuần chỉ là phải triển du lịch. Lý do là bởi 1.600 buồng phòng chỉ đón khoảng 2.240 khách/năm phòng, hoàn toàn không đáp ứng tiêu chí khu du lịch quốc gia được là đạt 1 triệu khách mỗi năm. Vì vậy, việc căn cứ tiêu chí này để xây dựng cơ sở lưu trú tại Sơn Trà là không thuyết phục.

Hơn thế nữa, việc UBND TP. Đà Nẵng cấp phép cho 1.920 căn biệt thự có ý nghĩa gì khi phát triển du lịch Sơn Trà? Khi đã hình thành tổng thể, khu biệt thự có 2 hay 3 phòng mỗi căn thì việc cho thuê phòng theo loại này rất ít hiệu quả. Đến đây, tôi đặt vấn đề, chỉ có kinh doanh bất động sản là phù hợp cho bản quy hoạch này chăng?

Trong khi đó, rõ ràng tiêu chí quy hoạch hiện nay là du lịch chứ không phải mua bán bất động sản trên bán đảo Sơn Trà nên quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà cần phải được đánh giá lại một cách nghiêm túc trên cơ sở đánh giá khoa học thực nghiệm.

Vậy thưa ông, liệu với 1.600 buồng phòng có mang lại lợi ích cho sự phát triển của Đà Nẵng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trong tương lai chăng? TP. Đà Nẵng sẽ được và mất gì nếu lựa chọn tiếp tục thực hiện quy hoạch như hiện nay?

Nếu tính lợi ích của Đà Nẵng trong việc phải triển 1.600 phòng thì tôi khẳng định chẳng đáng bao nhiêu. Cũng như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói lợi nhuận từ khu du lịch Sơn Trà chỉ bằng 1/1.000 du lịch quốc gia. Cụ thể tính theo suất đầu tư, lợi nhuận ngành du lịch 18%, thuế suất 20% thì xác suất Đà Nẵng sẽ thu được 12,9 tỉ đồng tiền thuế một năm. Các phụ thu theo du lịch Sơn Trà là không đáng kể vì mô hình, vị trí địa lý ít có tác động lên khoản kinh doanh phụ thu.

Mục tiêu của Đà Nẵng là phát triển du lịch Sơn Trà để phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên với hiệu quả thu ngân sách hàng năm chỉ đạt chưa đầy 13 tỉ đồng thì chính quyền Đà Nẵng đang quá mạo hiểm.

Trong khi đó với hành động trên, chúng ta sẽ phải đánh đổi quá lớn lợi ích về Sơn Trà như suy thoái hệ sinh thái, tuyệt chủng động vật hoang dã đặt biệt là Voọc chà vá chân nâu - một trong những loại động vật quý hiếm nhất hành tinh cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Vị trí Sơn Trà có tọa độ an ninh quốc phòng quốc gia, không thể dân sự hóa du lịch được.

Hiện nay TP. Đà Nẵng đang thực hiện ra soát các dự án theo chỉ đạo của chính phủ, bên cạnh đó dư luận đang đề cập đến việc lựa chọn số lượng buồng phòng tại Sơn Trà, vậy ông cho rằng con số nào là hợp lý thưa ông?

Thông thường tiêu chí quy hoạch định hướng phát triển du lịch chứ không thể xây dựng hạ tầng đô thị, đây cũng là việc cần xem xét lại của Luật du lịch so với Luật xây dựng. Việc chính phủ chỉ đạo rà soát lại các dự án là điều cần phải làm.

Theo tôi Sơn Trà có vị trí địa lý an ninh quốc phòng quá quan trọng và chưa kể đến thực trạng có đa dạng sinh học, động vật hoang dã do vậy cần được bảo vệ và bảo tồn nghiêm ngặt. Muốn phát triển du lịch thì lựa chọn cách kết hợp du lịch dưới hình thức lữ hành, thám hiểm, tuyệt đối không có lưu trú, không bêtông hóa dưới mọi hình thức.

Loại Sơn Trà ra khỏi danh sách khu du lịch Quốc gia để phát triển bền vững
Vậy theo ông, chúng ta nên chọn một hướng đi nào cho quy hoạch Sơn Trà trong tương lai để thỏa mãn cả về phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học của nơi này?

Bán đảo Sơn Trà không có hướng đi nào khác là phải bảo vệ và bảo tồn nguyên hiện trạng. Thứ nhất xét về khoa học môi trường, Sơn Trà là nơi sinh trưởng của hàng vạn sinh vật và động vật quý hiếm thuộc danh sách đỏ của thế giới, điều này ai cũng đã biết.

Thứ hai xét về khoa học Tài nguyên đất Sơn Trà hệ số sử dụng là có tỉ lệ 1-2% vì nguyên sinh là rừng có địa hình khá phức tạp, giá trị sử dụng dân sự và sản xuất là không phù hợp.

Thứ ba xét về khoa học quân sự thì vô cùng quan trọng, trước năm 1975 Sơn Trà được ví là mắt thần biển cả, tầm kiểm soát rada ra tới Cồn Tiên - Dốc Miếu (vĩ tuyến 17, nơi có hàng rào điện tử McNamara). Bản thân tôi từng là bộ đội tham gia và huấn luyện quân sự nên tôi rất hiểu, điều này là vô cùng quan trọng, thuộc dạng bậc nhất trong các yếu tố cần bảo vệ và bảo tồn bán đảo Sơn Trà.

Ngoài việc cần được bảo vệ và bảo tồn Sơn Trà thì chúng ta có thể kết hợp du lịch dưới các hình thức như tôi đã trình bày ở trên, việc quy hoạch và định hướng phát triển bền vững Sơn Trà là nên loại khỏi khu du lịch quốc gia. Sơn Trà có ý nghĩa quan trọng cần được bảo vệ và bảo tồn, tuy nhiên xét các tiêu chí khác thì như phân tích trên nơi này không đạt được những yêu cầu và chúng ta cũng không thể cưỡng cầu để nó trở thành khu du lịch tầm quốc gia.

Nhiều người lo ngại việc để Sơn Trà nguyên sơ sẽ khiến những giá trị của nơi này bị lãng quên, ông nghĩ sao về điều này?

Những giá trị hiện có ở Sơn Trà là vô cùng quý giá mà theo tôi không có nơi nào để so sánh. Sơn Trà có vị trí quan trọng cho Đà Nẵng và cho cả nước, nơi đây có hệ sinh thái da dạng tạo ra hàng triệu tấn oxy cho Đà Nẵng, tạo nên vẽ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Khi nói đến Đà Nẵng thì người ta nhớ ngay đến Sơn Trà. Nó còn có ý nghĩa về tâm linh và người ta ví Sơn Trà như nàng tiên để chiêm ngưỡng và tôn tạo!

Nói như vậy để thấy, Sơn Trà hiện tại có giá trị cộng đồng xã hội rất cao. Xét về mặt kinh tế thì vô cùng ý nghĩa, Sơn Trà tác động trực tiếp đến phát triển thành phố Đà Nẵng. Có thể hiểu một cách khác là Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà tạo nên nét riêng cho Đà Nẵng và nay Đà Nẵng cần tạo cho Sơn Trà một giá trị, đó là giá trị nhân văn, bảo tồn những giá trị vốn có tại Sơn Trà mà cộng đồng cả nước đã và đang quan tâm.

Lâu nay chúng ta vẫn hay nói bảo tồn và phát triển mâu thuẫn nhau, cũng như việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thường xung đột nhau, ông nghĩ sao về điều này? Những mâu thuẫn và xung đột đó liệu có đang tồn tại ở Sơn Trà?

Khái niệm về bảo vệ, bảo tồn và phát triển Sơn Trà không mâu thuẫn nhau, trong quản lý Nhà Nước đối với khu hay vùng lãnh thổ, địa giới hành chính là rất rõ ràng, đôi lúc chúng ta nhầm khái niện về mục đích và mục tiêu. Cụ thể như Sơn Trà nếu mục tiêu là du lịch thì mục đích để làm gì? Nếu mục đích để phát triển kinh tế từ Sơn Trà thì mục tiêu du lịch là không phù hợp, do đó sẽ có mâu thuẫn. Để phát triển phải có đề án được phản biện dưới góc nhìn khoa học sẽ thấy rất rõ giá trị và hiệu quả của nó, kể cả quy hoạch phải lập nhiệm vụ quy hoạch hay đồ án quy hoạch chúng ta sẽ thấy cần thiết hay không cần thiết quy hoạch một vị trí nào đó.

Bán đảo Sơn Trà cũng có thể xem xét như vậy. Trên thực tế nhiều đồ án không thấy lợi ích kinh tế nhưng lợi ích xã hội thì quá lớn, như Sơn Trà chẳng hạn. Tôi khẳng định bảo vệ và bảo tồn Sơn Trà tại Đà Nẵng có tác động rất lớn đến phải triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Việc này không bao giờ mâu thuẫn cả, nhưng phát triển đô thị trên đảo Sơn Trà dưới hình thức du lịch là mâu thuẫn.

Tác giả: Thùy Trang

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP