Đáng lưu ý, luật được thông qua chưa quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.
Trình bày giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành phương án quy định trên, song cũng có các ý kiến không nhất trí.
Các ĐB bấm nút biểu quyết. Ảnh: Minh Đạt |
UB Thường vụ QH nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội (điểm e khoản 1 điều 3 bộ luật Hình sự).
Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.
Theo bà Nga, để nâng cao hiệu quả công tác này, việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết.
Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.
Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động thì đây là vấn đề mới.
UB Thường vụ QH đã tổ chức xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này. Kết quả xin ý kiến chưa đạt được sự đồng thuận cao của ĐBQH (chưa đạt 50%) nên UBTVQH đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo luật.
Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 16 chương, 207 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Tác giả: Hương Quỳnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet