Thủy điện Đắk Mi 4, một tác nhân gây suy kiệt nguồn nước ở sông Vu Gia - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Cân bằng nước mùa kiệt cho Đà Nẵng
Ngày 25-5, tại Đà Nẵng đã diễn ra chương trình Hội thảo trao đổi - đối thoại lần 5 Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hội thảo lần này tập trung vào việc đưa ra các giải pháp chỉnh trị dòng nước sông Vu Gia đoạn qua Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Hùng (khoa thủy lợi - Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết thủy điện và biến đổi khí hậu tạo nên sự biến đổi dòng chảy nghiêm trọng tại sông Vu Gia.
Đặc biệt từ năm 2010 trở đi, hạ lưu sông này luôn bị thiếu nước trong tất cả các mùa cạn, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề là TP Đà Nẵng.
Ngã ba Vu Gia ở Quảng Huế nhìn từ cầu Giao Thủy, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi được xác định là do thủy điện Đắk Mi 4 ở thượng nguồn đã lấy đi nửa lượng nước vào mùa khô, đồng thời có sự thay đổi trong tỉ lệ phân chia lưu lượng tại ngã ba hệ thống sông Vu Gia (tăng nước về sông Thu Bồn cho địa phận Quảng Nam).
"Nghiên cứu của các chuyên gia trước đây cho thấy lưu lượng nước về Thu Bồn tăng gấp đôi vào mùa cạn, từ 20% (năm 1990) lên 40% (năm 2012) dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước ở hạ lưu Vu Gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt ở TP Đà Nẵng.
Do vậy cần điều chỉnh dòng nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giải bài toán nhiễm mặn ở hạ du" - TS Hùng nói.
Theo TS Hùng, cần trả nguồn nước trở về đúng thực trạng thời điểm năm 1990 (tức chỉ cho nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn-Quảng Nam với lưu lượng 20%).
Trong đó có thể dùng các giải pháp điều tiết nước như thực hiện nâng cao trình các hạn mục dự án chỉnh trị dòng sông trước đây. Đồng thời nạo vét dòng chảy lòng sông để nâng cao tỷ lệ phân dòng nước.
Nước về Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn được lợi hơn
Theo kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng (nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đà Nẵng), dòng chảy tại Quảng Huế nếu có lưu lượng về Đà Nẵng nhiều hơn thì địa phương hưởng lợi cũng chính là... Quảng Nam.
Bởi nước sông Vu Gia về tới Ái Nghĩa lại tiếp tục phân dòng về sông Yên (Đà Nẵng) và sông Lạc Thành (huyện Đại Lộc và Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Do vậy có thể nói đây không chỉ là giải pháp được lợi chỉ dành riêng cho Đà Nẵng mà còn lợi cho một vùng nông nghiệp rộng lớn của Quảng Nam.
"Chúng ta cần phải nhìn thấy rõ điều đó để có sự tính toán cho thích hợp"- ông Thắng nói.
Nhà máy nước Cầu Đỏ, Đà Nẵng thường xuyên nhiễm mặn vì suy kiệt nguồn nước ở hạ du sông Vu Gia - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Ông Ngô Tấn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng cần mở rộng nghiên cứu trên cả hệ thống sông toàn vùng chứ không chỉ một điểm ở Quảng Huế.
Bởi theo ông Tấn, Vu Gia-Thu Bồn là hệ thống sông rất phức tạp và cần tính toán cho cả mùa cạn và mùa lũ. Đà Nẵng có cái thiệt là việc quyết định dòng nước thượng nguồn ở tỉnh Quảng Nam nhưng Đà Nẵng lo thiếu nước thì Quảng Nam cũng có sự lo lắng riêng của mình.
Ông Tấn cho rằng cần thêm thời gian để có nhiều số liệu và nghiên cứu toàn diện với thời gian dài hơn nữa trước khi quyết định chỉnh trị dòng sông.
Từ 12-2016, hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã thực hiện ký kết "Thỏa thuận phối hợp về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ". Thỏa thuận bao gồm ba nội dung chính, trong đó hai địa phương sẽ thành lập một ban điều phối liên tỉnh với sự hỗ trợ của Viện Chuyển đổi môi trường - xã hội và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế để quản lý các vấn đề kinh tế, môi trường trên hệ thống sông này. Theo đó, hai tỉnh sẽ phối hợp tổ chức đánh giá hiện trạng, xác định và dự báo các nguy cơ rủi ro xảy ra trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tác động đến phát triển đô thị ở lưu vực sông và vùng bờ. |
Tác giả: TRƯỜNG TRUNG
Nguồn tin: tuoitre.vn