Xã hội

Quảng Nam: Chính quyền xã tự ý ghi phiếu thu điều chỉnh biến động diện tích đất ở?

Thời gian qua, Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được nhiều phản ánh của người dân địa phương về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong thủ tục xin cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chưa hết, chính quyền xã này còn “lộng hành”, tự ý ghi phiếu thu điều chỉnh biến động diện tích đất ở?.

Trụ sở UBND xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Tự ý điều chỉnh biến động diện tích đất ở

Để tìm hiểu thực hư về thông tin phản ánh, chúng tôi tìm về thôn Bồ Mưng 2, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Như lời người dân nơi đây, nỗi sợ và ngán ngẫm nhất là mỗi khi đụng đến giấy tờ, mà nhất là liên quan đến thủ tục pháp lý đất đai. Chỉ vì là tài sản lớn nhất của gia đình, là hương hỏa của ông bà để lại nên buộc họ phải sớm hoàn tất mọi thủ tục pháp lý về thửa đất mình đang ở.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ dân ở đây khi đo đạc để xin cấp đổi Giấy chứng nhận (GCN) Quyền sử dụng đất (QSDĐ), diện tích đo mới lại lớn hơn diện tích trong GCN cũ, có hộ kết quả đo lại có diện tích lớn hơn lên hàng trăm m2. Với phần diện tích này, chính quyền xã tự cho đó là đất của UBND xã. Để xử lý hồ sơ đo đạc cho hoàn thiện, địa chính xã phối hợp với bên đo đạc, vẽ lại sơ đồ thửa đất cũng như định vị lại ranh giới thửa đất cho khớp với diện tích trong sổ. Phần đất dư thừa, UBND xã ưu tiên “bán lại” cho các hộ dân, nếu hộ dân có nhu cầu đưa luôn phần đất đo thừa đó vào GCN.

Cụ thể, như trường hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Ry, trú tại thôn Bồ Mưng 2 (xã Điện Thắng Bắc), vào tháng 8/2018, ông Ry có nộp đơn xin cấp đổi GCN đối với thửa đất 89, tờ bản đồ số 10, diện tích 1.865 m2, mục đích sử dụng là đất thổ cư, được UBND huyện Điện Bàn cấp theo GCN hộ gia đình vào ngày 10/3/1997 do ông Nguyễn Nhung (bố đẻ của ông Nguyễn Ry - PV) đứng tên. Sau khi có kết quả đo đạc, phần diện tích đo thực tế theo ranh giới sử dụng đất của gia đình ông Ry là 2.124,5m2, lớn hơn diện tích trong GCN là 259,5m2.

Thửa đất gia đình ông Nguyễn Ry bị vẽ tách làm đôi phần đất thừa sau khi đo đạc

Phần đất dư thừa này, địa chính xã Điện Thắng Bắc đã báo với ông Ry là phần đất của UBND xã, đồng thời địa chính xã đã phối hợp với bên đo đạc (thuộc Văn phòng đăng ký đất đại chi nhánh thị xã Điện Bàn - PV) tự ý điều chỉnh chia sơ đồ thửa đất làm 2 phần, một phần vừa đủ với diện tích trong GCN của gia đình ông Ry, phần còn lại là phần đất thừa 259,5 m2. Ngoài ra, UBND xã có “gợi ý” với gia đình ông Ry, nếu gia đình ông Ry có nhu cầu đưa luôn phần đất thừa vào sổ thì phải đóng tiền cho xã.

Gia đình ông Ry cảm thấy có gì đó không đúng nên đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Tài nguyên và Môi trường. Sau khi PV xác minh nguồn gốc thửa đất 89, tờ bản đồ số 10 và một số thửa đất lân cận trên bản đồ 64 được lưu ở UBND xã, thấy diện tích hình học của thửa đất 89 so với sơ đồ đo đạc rất hợp lý nếu không bị địa chính chia bỏ phần đất thừa ra ngoài.

Ông Nguyễn Thanh Vỹ - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh thị xã Điện Bàn nhận định, phần diện tích đất chênh lệch lớn hơn 259,5m2 sau khi đo đạc đối với thửa đất 89 so với GCN cũ là do nhiều nguyên nhân, có thể trước đây cấp GCN người ta đo bằng thước dây nên không chính xác, đôi lúc khi đo đạc gặp phải bụi tre,chướng ngại vật nên không kéo thước được cũng dẫn đến bị ảnh hưởng về diện tích. Hầu như thửa đất nào đo lại cũng bị chênh lệch tăng hoặc giảm.

UBND cấp xã có được quyền thu tiền biến động diện tích đất ở không?

Tuy nhiên, tách phần đất dư thừa trên ra và cho là đất của UBND xã là không đúng, phần đất dư thừa chưa được công nhận thì cần phải làm thêm một vài giấy tờ để đảm bảo tính pháp lý, như tổ chức họp lấy ý kiến khu dân cư xác minh về nguồn gốc phần đất dư thừa trên, làm cơ sở để công nhận phần đất trên.

Thu tiền làm sổ đỏ… bất chính?

Chuyện chưa dừng lại ở đó, như lời ông Nguyễn Văn Hào, cùng trú thôn Bồ Mưng 2 (xã Điện Thắng Bắc) kể lại, gia đình ông được ông bà để lại một mãnh đất thổ cư để ở và làm vườn. Trước đây, do nhu cầu sử dụng nên ông Hào đã tự ý khai hoang, đắp lấp ao nước liền kề để sử dụng trồng rau, hoa màu. Cách đây 5 năm, khi gia đình có ý định dựng nhà cho vợ chồng đứa con trai trên phần đất này. Lúc này, UBND xã Điện Thắng Bắc đã ách lại và có giải thích với gia đình là phần đất trên chỉ làm được chuồng heo, chuồng bò chứ không thể làm nhà, vì phần đất này chưa phải là đất ở.

Gia đình ông Hào đã tìm đến UBND xã để nhờ tư vấn, hướng dẫn thủ tục xin cấp GCN đối với phần đất mà gia đình tự ý lấn phần ao nước nói trên. Sau khi giải thích, UBND xã đã yêu cầu ông Hào phải đóng số tiền là 50 triệu đồng thì UBND xã sẽ giúp làm thủ tục cấp GCN đối với phần đất đó. Vì quá khó khăn nên gia đình ông Hào đã xin giảm nhưng không được sự đồng ý của lãnh đạo UBND xã.

Tại UBND xã tồn tại dịch vụ làm sổ công khai

Sau một thời gian dài và nhiều lần gia đình ông Hào lên xuống, tha thiết xin giảm bớt số tiền đóng cho xã thì đã được xã đồng ý giảm xuống là 30 triệu đồng cộng với 10 triệu đồng tiền dịch vụ làm GCN QSDĐ. Đến tháng 3/2016, GCN QSDĐ của con trai ông là Nguyễn Văn Dũng cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cấp cho phần đất trên.

Điều đáng nói, trong phiếu thu UBND xã đã ghi cụ thể lý do nộp là: “Tiền thu để điều chỉnh biến động diện tích đất ở cho hộ ông Hào Bồ Mưng 2”. Qua nội dung phiếu thu, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng UBND cấp xã được quyền điều chỉnh biến động diện tích đất ở ?. Tại địa phương này, câu chuyện như nhà ông Hào không phải là một mà rất nhiều trường hợp tương tự. Liệu chính quyền xã có “vung tay quá trán” và thu tiền của dân bất chính khi tự ý điều chỉnh biến động diện tích đất ở. Câu hỏi này, chúng tôi cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây muốn được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam trả lời thấu tình đạt lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Tác giả: Võ Hà - Xuân Lam

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

  Từ khóa: Chính quyền xã , Quảng nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP