Ngày khai giảng năm học mới đang đến rất gần, khi học sinh ở các trường trên cả nước đang từng bừng chuẩn bị cho năm học mới thì tại xã biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), nhiều em học sinh lại đang chuẩn bị hành trang để sẵn sàng cho những chuyến đi biển hoặc lên thành phố làm thuê.
Không chỉ những em vì hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học mà rất nhiều trường hợp tuy kinh tế gia đình khá giả nhưng vẫn chỉ học hết lớp 9 rồi ở nhà đi làm. Thực trạng này đang trở thành nỗi lo của nhà trường và địa phương.
Người dân xã Hải Ninh mưu sinh trên biển |
Theo thống kê của Hội Khuyến học xã Hải Ninh, năm học 2016 - 2017, địa phương này có 115 em tốt nghiệp bậc THCS, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký vào THPT và trường nghề năm học 2017 - 2018 là 88 em. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng hồ sơ đăng ký, còn trên thực tế, còn rất nhiều em có nộp hồ sơ nhưng không có ý định đi học.
Ông Hoàng Văn Than, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hải Ninh cho biết, với sự nỗ lực tuyên truyền, động viên của chính quyền địa phương cũng như hội khuyến học, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở địa phương này đã giảm, nhưng số học sinh chỉ học học hết lớp 9 vẫn còn rất nhiều. Lý do nghỉ học phần lớn đối với các em nam thì ở nhà đi biển, còn nữ lên thành phố làm thuê.
“Việc học sinh ở đây bỏ học giữa chừng đặc biệt là lứa các em lớp 9 lên 10 là do gia đình và chính bản thân các em khi đã tốt nghiệp cấp 2 không còn muốn tiếp tục học, một phần vì điều kiện khó khăn, phần nữa nhiều gia đình nghĩ rằng trước sau gì con cũng theo nghề biển nên chỉ cần học xong lớp 9 là được”, ông Than nhận định.
Em Nguyễn Xuân Ninh, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh là một trong những học sinh đã có quyết định không đăng ký vào cấp 3, Ninh nghỉ học rồi xin lên một tàu cá của ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới để đi biển, đến nay, em đã đi làm được 3 tháng.
“Hôm ni tàu về nên em ghé về nhà chơi, ít ngày nữa em lại tiếp tục ra biển, cũng vì lực học của em chỉ ở mức trung bình, gia đình lại khó khăn, em còn hai đứa em đang đi học nữa, em nay cũng đã có thể lao động được nên đành nghỉ để đi biển kiếm tiền phụ gia đình”, Ninh chia sẻ.
Ninh cũng cho biết, lớp em có 31 học sinh nhưng được biết chỉ một nửa trong số này đi học, phần lớn là nữ, còn nam hầu hết ở nhà đi biển. Riêng ở thôn Tân Định có hơn 10 học sinh nam thì tất cả đều có ý định ở nhà đi biển, nữ thì chỉ 10/20 đi học, số còn lại ở nhà hoặc đi làm thuê.
Cũng như em Ninh, em Nguyễn Văn Hiệp, ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh sau khi học hết lớp 9 cũng quyết định ở nhà đi biển kiếm sống. Hiệp cho biết em và gia đình biết tương lai em sẽ gắn với nghề biển, có học xong cấp 3 hay cao hơn nữa cũng khó có thể xin việc khác để làm nên em đã không đăng ký học một trường THPT hay trường nghề nào.
Việc học sinh buổi đi học, buổi ra biển không còn xa lạ tại những làng biển ở Quảng Bình |
Ngoài ra còn nhiều em vì không có sự định hướng của gia đình, đăng ký hồ sơ theo bạn bè nên bị lỡ việc học. Em Mai Thị Mận, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh cho biết, em cùng nhiều bạn khác không có ý định học tại các trường THPT nên đã rủ nhau đăng ký học tại trường nghề, tuy nhiên khi em nộp hồ sơ vào trường nghề thì gia đình không đồng ý.
“Mẹ không cho học trường nghề nhưng em đã nộp học bạ vào trường rồi, hôm trước em đi rút lại để nộp vào trường THPT gần nhà nhưng vì nhiều người xin rút quá nên họ không cho mà bắt về làm đơn mới cho rút, lúc đó thời hạn nộp hồ sơ vào trường THPT cũng đã hết nên em không rút nữa, em đang định thời gian tới xin đi làm thuê”, Mận buồn bã.
Ở một địa phương nơi người dân sống chủ yếu nhờ vào nghề đi biển, việc các học sinh buổi đi học buổi phụ gia đình đi đánh bắt gần bờ không còn là điều xa lạ. Với sự nỗ lực của địa phương, những năm qua, thực trạng học sinh tiểu học và THCS bỏ học giữa chừng đã giảm dần, tuy nhiên số học sinh học bậc THPT vẫn rất thấp. Chính quyền địa phương, Hội Khuyến học xã Hải Ninh vẫn đang nỗ lực để trong tương lai gần sẽ không còn xảy ra tình trạng này.
Tác giả: Tiến Thành
Nguồn tin: Báo Dân trí