Sơ kết toàn quốc về thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN |
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Tính đến thời điểm tổng hợp số liệu để phục vụ cho Phiên Giải trình của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (30/9/2016) cả nước có tổng số 363.437 hộ thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 gồm 169.203 hộ xây mới và 194.234 hộ sửa chữa, cải tạo.
Tuy nhiên, tính đến ngày 15/5/2017, duy nhất Hà Nội đề nghị điều chỉnh giảm số liệu (giảm 2.350 hộ) và 13 địa phương đề nghị bổ sung thêm số liệu gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng, Phú Yên, Đắk Nông, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bạc Liêu với tổng số 18.833 hộ.
Do vậy, nếu tính cả số liệu đề nghị giảm của Hà Nội và đề nghị bổ sung của 13 địa phương nêu trên thì hiện nay của cả nước cũng vẫn tăng thêm 16.483 hộ; trong đó có 8.110 hộ xây mới và 8.373 hộ sửa chữa, cải tạo.
Như vậy, tổng số hộ cần hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 của cả nước là 379.920 hộ, trong đó có 177.313 hộ xây mới và 202.607 hộ sửa chữa, cải tạo.
Sau gần 4 năm thực hiện, đã có hàng chục nghìn ngôi nhà của người có công được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tại các địa phương vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, khiến tiến độ triển khai rất chậm...
Nguyên nhân tăng số hộ nêu trên chủ yếu là do một số địa phương đã tạm ứng trước kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và một số hộ gia đình đã tự huy động kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở (khoảng 34.000 hộ); có một số địa phương đã thay đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa, cải tạo (khoảng 9.000 hộ).
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, số lượng hộ phát sinh quá lớn, vượt xa số lượng tính toán ban đầu cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng kế hoạch vì nguồn vốn “đội’ lên cũng rất lớn.
Thêm một vấn đề nữa cần chú ý là việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, dù đã huy động nhiều nguồn lực nhưng vẫn phải dựa chủ yếu vào ngân sách.
Vốn huy động trong xã hội vẫn chưa nhiều; trong khi đó có những địa phương giàu, vượt thu rất lớn mà vẫn chờ cấp vốn từ Trung ương, chưa tích cực tham gia – Phó Thủ tướng lưu ý.
Hiện Chính phủ đã sẵn sàng điều kiện về pháp lý, nguồn lực để hỗ trợ. Bởi vậy, việc rà soát cần phải đúng đối tượng, thứ tự ưu tiên.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đã sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người có công. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN |
Những người, những nhà cần hỗ trợ trước lại chưa được bố trí mà người ít cần hỗ trợ hơn lại được hoặc nhà vừa sửa, vừa nâng cấp lại tiếp tục thực hiện theo chính sách này, gây lãng phí.
Khi tổ chức thực hiện cần có cả giải pháp nguồn lực; trong đó cụ thể về huy động nguồn lực xã hội, từ chính gia đình, người thân, họ hàng của các hộ và cả doanh nghiệp, địa phương… để có đủ kinh phí thực hiện đề án rất ý nghĩa này – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực thất thoát và giải đáp kịp thời vướng mắc kiến nghị của người dân, địa phương để có phương pháp xử lý, giải quyết sớm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, một số địa phương và Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị tiếp tục rà soát thêm nhưng chỉ nên tập trung vào 2 vấn đề chính.
Cụ thể là những trường hợp đã báo cáo trong năm 2016 nhưng vì lý do tập hợp trục trặc hoặc một số đối tượng vừa được công nhận. Các trường hợp này nên giao cho địa phương rà soát và chốt vào thời điểm kết thúc tháng 5.
Việc các địa phương liên tục điều chỉnh, số lượng tăng lên rất lớn, có nơi gấp tới 4,6 lần thì cũng phải xem xét làm cho chặt chẽ. Nên lấy mốc cuối tháng 5 để chốt số lượng. Nếu vẫn tiếp tục phát sinh thì nên giao các địa phương tự xem xét, cân đối sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ.
Đồng thời, cũng nên xem xét việc vận dụng với người thân của các đối tượng được hỗ trợ (là vợ - chồng) và mở rộng đến con của các đối tượng. Tuy nhiên, các địa phương phải rà soát để chỉ hỗ trợ những trường hợp thật sự khó khăn – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu vấn đề.
Đặc biệt, nguồn kinh phí đã được bố trí nhưng vấn đề giải ngân phải linh hoạt, có thể cho ứng trước để hoàn thành dứt điểm chương trình này trong vòng 2 năm hoặc có thể kết thúc trong năm 2017./.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo TTXVN