Trong nước

Phó Thủ tướng “đặt hàng” sản phẩm cho công trình biển đảo

Sáng 12/12, tham dự Hội nghị Vật liệu xây dựng toàn quốc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo.

Những mặt hàng lọt top 10 thế giới

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà báo cáo khái quát tình hình hoạt động của ngành sản xuất vật liệu xây dựng thời gian qua.

Theo báo cáo do Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, ngành sản xuất VLXD Việt Nam đã phát triển không ngừng và đạt được những thành tựu to lớn trong việc phát triển các cơ sở sản xuất VLXD, với công nghệ tiên tiến, hiện đại ngang tầm với khu vực và các nước phát triển trên thế giới; từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm VLXD.

Tất cả các chủng loại sản phẩm VLXD chủ yếu cơ bản đã thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước. Một số sản phẩm VLXD đã tham gia vào thị trường xuất khẩu (xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng, đá ốp lát, vôi…).

Công nghệ sản xuất VLXD ở Việt Nam thời gian qua đã có những thay đổi rõ rệt, các công nghệ lạc hậu đã và đang được thay thế bằng công nghệ tiên tiến hiện đại trên hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của ngành công nghiệp VLXD, đưa ngành công nghiệp VLXD từng bước hoà nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới.

Từ năm 2010 Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng cho nhu cầu nội địa bằng nguồn clinker sản xuất trong nước. Những năm tiếp theo, để phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trong nước, Việt Nam đã xuất khẩu clinker và xi măng ra nước ngoài tạo nguồn thu ngoại tệ để đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị.

Hiện nay, theo số liệu thống kê thì Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất xi măng và clinker nhiều nhất thế giới. Các sản phẩm xi măng của Việt Nam tương đối đa dạng. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng ở nước ta đã sản xuất được hầu hết các chủng loại xi măng poóc lăng phục vụ cho nhu cầu xây dựng trong nước. Về sản lượng, hiện cả nước đã có hơn 80 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế gần 100 triệu tấn/năm.

Sản lượng sản xuất gạch ốp lát các loại không ngừng tăng nhanh. Năm 2010 sản lượng sản xuất là 378 triệu m2, thì đến năm 2016, sản lượng sản xuất đã tăng lên 540 triệu m2 (tăng 50% so với năm 2010), đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 20-25% tổng công suất. Công nghệ và thiết bị, được đầu tư đồng bộ, tiên tiến từ các nước phát triển với quy mô mỗi nhà máy lên tới hàng chục triệu m2, module công suất mỗi dây chuyền từ 2-3 triệu m2/năm.

Đối với đá ốp lát tự nhiên, ngành VLXD đã áp dụng công nghệ khai thác hiện đại bằng cưa đĩa, cắt dây kim cương, hạn chế tối đa việc nổ mìn ảnh hưởng tới môi trường và an toàn lao động.

Về kính xây dựng, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm, trong đó kính nổi là 3.550 tấn/ngày tương đương 248 triệu m2 (có 7 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2. Ngoài các nhà máy đang sản xuất, hiện tại có 5 dự án đang đầu tư, khi đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất sản xuất kính phẳng ở Việt Nam kên mức gần 6.700 tấn/ngày tương đương 466 triệu m2/năm.

Điểm tích cực là thời gian qua, các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung. Đặc biệt tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM…

Giám sát chặt việc khai thác cát sỏi lòng sông

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận kết quả của ngành sản xuất VLXD trong thời gian qua để trở thành một trong những ngành đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người dân.

Tất cả các chủng loại sản phẩm VLXD chủ yếu như: Xi măng, kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát, gạch xây,… đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, từ chỗ cung không đủ cầu, phải nhập khẩu, đến nay đã vươn lên là nước xuất khẩu một số chủng loại VLXD hàng đầu khu vực và thế giới.

“Con số 350.000-600.000 tỷ đồng mỗi năm ngành vật liệu xây dựng đóng góp cho nền kinh tế là rất lớn, mang lại nhiều ý nghĩa với nền kinh tế nhưng cũng phải xác định cụ thể tỷ lệ bao nhiêu trong số đó do trong nước chủ động sản xuất, làm được, bao nhiêu chúng ta phải nhập nước ngoài” – Phó Thủ tướng lưu ý.

Nói về những mặt còn hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục, Phó Thủ tướng chỉ rõ, công tác thăm dò dự báo tài nguyên khoáng sản làm VLXD còn hạn chế. Công tác quản lý trong việc cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản của các cấp, các ngành, đặc biệt là ở các địa phương còn bất cập dẫn đến khai thác không phép, trái phép còn diễn ra nhiều trong thời gian qua.

Về quy hoạch, chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể về khoáng sản làm VLXD để quản lý, kiểm soát một cách hệ thống. Chất lượng quy hoạch tài nguyên khoáng sản làm VLXD còn thấp, phải điều chỉnh liên tục, do đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Việc đầu tư sản xuất một số sản phẩm VLXD chưa theo quy hoạch, một số thời điểm để cung vượt quá cầu, dẫn đến lãng phí đầu tư; chưa sản xuất được nhiều loại VLXD mới; chưa quản lý chặt chẽ về môi trường trong sản xuất, một số dự án gây ô nhiễm môi trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện Chương trình vật liệu xây không nung chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Lãnh đạo Chính phủ nhận định, thời gian tới, cơ hội dành cho các doanh nghiệp VLXD rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng phải coi trọng thị trường nội địa, nhưng cũng phải hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao chất lượng, giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng có chiến lược để phát triển sản xuất những loại VLXD mới, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay; chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nghiên cứu phát triển VLXD phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, đặc biệt là cát sỏi lòng sông. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong đó có khoáng sản làm vật liệu xây dựng để có đầy đủ thông tin, số liệu phục vụ cho công tác lập quy hoạch.

Phó Thủ tướng cũng quán triệt việc dừng đầu tư mới đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung tại các địa phương, không sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông để làm vật liệu san lấp, đặc biệt đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP