Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Phát triển đô thị có sức cạnh tranh cao
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 7 đề cập đến những vấn đề rất quan trọng trong định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng cũng như giải bài toán mà thành phố đang phải đối mặt trong thời gian đến, giúp thành phố có sức cạnh tranh hơn, như tiết kiệm năng lượng mới trong các tòa nhà, phát triển các KCN mới, quản lý tốt chất thải rắn, quy hoạch phát triển khu vực Cảng cá Thọ Quang theo hướng thân thiện với môi trường và du lịch.
Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, tiềm năng để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà trên địa bàn thành phố là rất lớn và hy vọng TP Yokohama, các Cty Nhật Bản, các chủ đầu tư khách sạn lớn trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục đồng hành để đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất.
Ông Toru Hashimoto, Giám đốc Điều hành Cục hợp tác Phát triển TP Yokohama cho biết, hiện nay Sở TN&MT TP Đà Nẵng và TP Yokohama đóng vai trò trung tâm cùng với 14 doanh nghiệp TP Yokohama và Tổ chức JICA đang xúc tiến chương trình phân loại và xử lý rác thải Đà Nẵng. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Châu Á đang triển khai chương trình phân loại rác thải cho người dân.
“Đặc trưng hợp tác của 2 thành phố là một cơ chế hợp tác thống nhất giữa các doanh nghiệp của 2 thành phố và các tổ chức quốc tế. Vì vậy, qua Diễn đàn lần này, có thể xây dựng một nền móng vững chắc cho việc hợp tác giữa 2 thành phố và cụ thể hóa hành động trong tương lai”, ông Toru Hashimoto kỳ vọng.
Cũng theo ông Toru Hashimoto, những nội dung thảo luận lần này hy vọng sẽ giúp Đà Nẵng phát triển bền vững, vươn lên trở thành đô thị hạt nhân trong mạng lưới đô thị ở Châu Á.
Đề cập đến dự án tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình, tòa nhà để nâng cao tính cạnh tranh, ông Yasutoshi Sagami (Cty OSAMI – thành viên của Hiệp hội các DN phát triển đô thị thành phố Yokohama) bày tỏ: Việc chúng tôi đã lựa chọn Đà Nẵng mở văn phòng thay vì Hà Nội hay TPHCM là vì Đà Nẵng đang xây dựng môi trường xanh sạch đẹp, cơ sở hạ tầng khá tốt.
Ông Masakazu Okuno, Phòng Hợp tác quốc tế thành phố Yokohama cho rằng, định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cạnh tranh hơn. Do vậy, cần quan tâm nhiều lĩnh vực dự án môi trường, khu xây dựng xử lý nước thải, rác thải như bãi rác Khánh Sơn. Việc phát triển hệ thống Cảng Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa có rất nhiều tàu lớn nếu không cập cảng được thì là bất lợi cho thành phố. Về phát triển Cảng Liên Chiểu là vấn đề cấp thiết cho Đà Nẵng, chúng tôi cũng đang nghiên cứu các dự án trên địa bàn thành phố...
Bờ biển Đà Nẵng. |
Kêu gọi đầu tư 9 dự án “khủng”!
Giới thiệu 9 dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng tại Diễn đàn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn cho hay, hiện Đà Nẵng đang tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư vào các dự án trọng điểm của TP. Cụ thể, trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, thành phố ưu tiên đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000DWT, tàu container có sức chở từ 6.000 – 8.000TEU với tổng vốn đầu tư 17.626 tỷ đồng.
Cũng theo ông Sơn, dự án nhằm phát triển khu bến cảng Liên Chiểu trở thành cửa ngõ của khu vực miền Trung, khu bến trung chuyển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan, Myanmar – một trong những tuyến vận tải ngắn nhất từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương; đồng thời giúp giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ trong TP do vận tải hàng hóa kết nối với khu bến Tiên Sa, Sơn Trà đi qua đường phố nội đô. Song song với đó là dự án phát triển Cảng cá Thọ Quang và định hướng quy hoạch phát triển nghề cá Đà Nẵng trong tương lai.
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng sẽ giúp TP phát triển đô thị một cách hiệu quả và bền vững thông qua việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm TP. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện đi lại của người dân TP Đà Nẵng; cải thiện, rút ngắn hành trình và thời gian chạy tàu Bắc – Nam, tăng an toàn cho giao thông đường sắt; tăng tính kết nối của hệ thống đường sắt với đường bộ cao tốc và cảng Liên Chiểu, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng lên. Tổng vốn đầu tư khoảng 13.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh xúc tiến đầu tư dự án tàu điện kết nối giữa TP Đà Nẵng và Hội An với chiều dài 33km từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm thành phố đến Hội An theo tuyến đường ven biển. Đây là dự án tiềm năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, khai thác nhằm gia tăng giá trị du lịch, giá trị sử dụng đất và hiệu quả giao thông đi lại giữa hai địa phương.
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, Đà Nẵng đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn và dự án cải thiện môi trường nước TP. Hai dự án trọng điểm này sẽ góp phần giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải đô thị và ô nhiễm bờ biển Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 163 triệu USD. Đây là 2 dự án đã được JICA hỗ trợ nghiên cứu khả thi.
Cũng theo ông Sơn, phát triển cơ sở hạ tầng luôn đi đôi với ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành. Do đó, Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện các dự án: Phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống thông minh trong quản lý điều hành giao thông; Phát triển CNTT và truyền thông TP Đà Nẵng với tổng mức đầu tư khoảng 60 triệu USD. Bên cạnh đó, thành phố cũng kêu gọi đầu tư thêm 3 KCN mới đó là KCN Hòa Cầm mở rộng, KCN Hòa Ninh và KCN Hòa Nhơn để đáp ứng nhu cầu thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
Tác giả: XUÂN ĐƯƠNG
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng