Pháp luật

Phan Văn Anh Vũ nói rất ấm ức và đau lòng

Tại tòa, Phan Văn Anh Vũ nhiều lần nói mình rất “ấm ức” và “đau lòng” trong vụ án, đề nghị HĐXX thẩm vấn đối với các đơn vị thẩm định giá.

Ngày 5-5, phiên phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử 20 bị cáo trong vụ án thâu tóm công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục ngày làm việc thứ hai. HĐXX tiến hành xét hỏi nhóm các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo Đà Nẵng

Khai tại tòa, ông Nguyễn Công Lang (cựu giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng) thừa nhận trong 21 dự án công sản, ông đều ký hợp đồng mua bán và có biết việc bán không qua đấu giá, giảm 10% tiền sử dụng đất… Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng việc mua bán trên là theo chủ trương, đã được UBND TP đồng ý, bản thân “không vụ lợi gì”.

Đáng chú ý, HĐXX nhiều lần đề cập tới nhận định của cấp sơ thẩm về việc Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng và hỏi ông Lang biết gì về quan hệ giữa Vũ với ông Trần Văn Minh (cựu chủ tịch UBND TP).

Ông Lang cho rằng với vai trò chủ tịch UBND TP và công ty bình phong của Bộ Công an, tất nhiên ông Minh và ông Vũ phải có quen biết nhưng mức độ thân thiết, sâu đậm như thế nào thì không thể nắm rõ.

HĐXX cũng đặt câu hỏi tương tự với bị cáo Trần Phi (cựu tổng giám đốc Công ty XNK Đà Nẵng), người bị cáo buộc giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhà, đất tại số 106 Trần Phú và 34 Hoàng Văn Thụ.

Giống với ông Lang, ông Phi nói có nghe về mối quan hệ của ông Vũ với các lãnh đạo TP nhưng không biết thân thiết cụ thể ra sao.

Về phía mình, ông Phi biết ông Vũ có công ty kinh doanh bất động sản. Sau khi Công ty XNK Đà Nẵng được TP đồng ý bán cho hai dự án nhà, đất thì ông Vũ có tới gặp, trao đổi việc chuyển nhượng quyền sử dụng.

Ngay sau đó, Phan Văn Anh Vũ được gọi lên đối chất. Ông Vũ khẳng định việc bàn bạc, mua bán giữa hai bên là sau khi UBND TP có quyết định đồng ý bán cho Công ty XNK Đà Nẵng, chứ không phải trước khi có quyết định này.

Đứng trước bục khai báo, ông Vũ nói khá lớn tiếng nên chủ tọa đề nghị giảm âm lượng. Bị cáo nhiều lần nói mình rất “đau lòng”, “ấm ức” trong vụ án, đề nghị HĐXX thẩm vấn đối với các đơn vị thẩm định giá…

Đánh giá về các câu trả lời của Trần Phi, đại diện VKS cho rằng bị cáo đã thành khẩn nhưng chưa thực sự “khai hết những gì mình biết”. Kiểm sát viên đặt nhiều câu hỏi với bị cáo này về việc mua bán nhà, đất công sản với Phan Văn Anh Vũ là do ai giới thiệu, có chịu áp lực của ai hay không. Cựu tổng giám đốc Công ty XNK Đà Nẵng đều trả lời là không.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa. Ảnh: TP

Kháng cáo đòi hàng ngàn mét vuông nhà, đất

Tại phiên phúc thẩm lần này, ngoài 20 bị cáo, HĐXX cũng xét kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có vợ và em gái Phan Văn Anh Vũ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ bị cáo Vũ) đề nghị HĐXX xem xét và tuyên hủy lệnh kê biên đối với tài sản là nhà, đất tại số 22 Cô Giang. Đây cũng là yêu cầu của bà Hiền trong suốt quá trình diễn ra phiên sơ thẩm hồi tháng 1-2020.

Theo trình bày, bà mua nhà, đất số 22 Cô Giang bằng hình thức đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng trình tự thủ tục pháp luật, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, bà Phan Anh Hạnh Trinh (em gái bị cáo Vũ) cho rằng việc mua bán nhà, đất tại số 34 Hoàng Văn Thụ giữa Công ty I.V.C (công ty do ông Vũ lập) và Công ty XNK Đà Nẵng là đúng pháp luật. Việc này xuất phát từ yêu cầu của Công ty XNK Đà Nẵng, chứ không phải ông Vũ thỏa thuận để được mua theo hình thức chỉ định không qua đấu giá.

Quá trình chuyển nhượng, cá nhân bị cáo Vũ và Công ty I.V.C đã chuyển hơn 11 tỉ đồng vào tài khoản Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng. Sau cùng, Công ty I.V.C chuyển nhượng nhà, đất trên cho bà Trinh.

Em gái ông Vũ khẳng định tiền mua nhà, đất số 34 Hoàng Văn Thụ là tiền sở hữu hợp pháp của cá nhân bà. Vì vậy, bà cho rằng tòa án cấp sơ thẩm tuyên thu hồi nhà, đất này là không có căn cứ, vi phạm pháp luật. vì vậy, bà đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy lệnh kê biên.

Tương tự, tại nhà, đất số 20 Bạch Đằng, bà Trinh cũng cho rằng giao dịch mua bán giữa Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng và bị cáo Nguyễn Quang Thành (em vợ ông Vũ) là hợp pháp, ngay tình.

Sau khi nhận chuyển nhượng từ Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng, Thành bán lại cho ông Vũ, rồi ông Vũ lại bán lại cho bà Trinh. Theo bà, toàn bộ quá trình chuyển nhượng này là đúng trình tự thủ tục pháp luật, tài sản nhà, đất số 20 Bạch Đằng không còn là của Phan Văn Anh Vũ.

Do đó, việc CQĐT tiến hành kê biên và tòa án sơ thẩm tuyên thu hồi là vi phạm pháp luật. Bà đề nghị tòa phúc thẩm xem xét nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà.

Theo hồ sơ vụ án, ba dự án nhà, đất nêu trên có diện tích hàng ngàn mét vuông, đều nằm trong số bất động sản bị kê biên, thu hồi đảm bảo thi hành án.

Phan Văn Anh Vũ có “quyền lực rất lớn”

Tòa sơ thẩm từng nhận định Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng, đặc biệt là nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP và cả các cán bộ cấp cao của Bộ Công an.

ông Vũ đã lợi dụng công ty bình phong để thực hiện mưu đồ cá nhân trong việc nhận chuyển nhượng dự án nhà, đất công sản. Các đơn từ do bị cáo trình lên đều được lãnh đạo UBND TP chấp thuận bằng bút phê. Có dự án trong thời gian rất ngắn mà UBND đã xét duyệt cho bị cáo. Điều đó khẳng định ông Vũ có “quyền lực rất lớn”.

Tác giả: TUYẾN PHAN

Nguồn tin: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP