Giáo dục

Phản đối hiệu trưởng, vợ lính Trường Sa 3 lần phải chuyển công tác

Chỉ vì phản đối những việc làm sai trái của hiệu trưởng và một số người mà cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế, vợ của một người lính Trường Sa đã phải 3 lần chuyển trường và mất luôn chức hiệu phó với lí do làm “mất đoàn kết nội bộ”.

Giấy khen cô Huế của Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy ngay trước thời điểm miễn nhiệm, chuyển trường đối với cô Huế.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, năm 1996, cô Huế được nhận vào dạy ở Trường tiểu học Hưng Thủy. Chỉ sau 4 năm, với nhiều thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, cô Huế được bầu làm tổ trưởng chuyên môn. Năm 2009, cô Huế chuyển sang Trường tiểu học Dương Thủy và tiếp tục giữ vị trí Tổ trưởng chuyên môn. Cô Huế tiếp tục được ghi nhận bằng nhiều giải học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp huyện, cấp tỉnh. Bản thân cô Huế đạt giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Sóng gió cuộc đời bắt đầu vào năm 2009, khi cô Huế được cân nhắc lên phó hiệu trưởng, phó bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn cơ sở Trường tiểu học Văn Thủy. Cô Huế cho biết: Tại đây, chứng kiến việc nhập nhằng trong thu chi tài chính của hiệu trưởng Nguyễn Thị Lợi, cô đã không đồng tình và đề nghị hiệu trưởng trả lại tiền thu thừa 108.000đồng/học sinh từ khối 3,4,5 môn Tin học và Anh văn.

Ba lần chuyển trường vì làm “mất đoàn kết nội bộ”

Theo lời cô Huế, bà Lợi bực tức, ỷ thế chồng làm cán bộ xã, lôi kéo đa số giáo viên là người địa phương vu khống cô làm mất đoàn kết trong nhà trường. Sự việc “mất đoàn kết” được hiệu trưởng báo lên xã, lên phòng giáo dục và UBND huyện Lệ Thủy. Sau đó, UBND huyện cử đoàn về xác minh nhưng không tìm thấy dấu hiệu cô Huế làm mất đoàn kết nội bộ.

Năm học 2009 - 2010, Trường tiểu học Văn Thủy được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1. Lĩnh vực cô Huế phụ trách gặt hái nhiều thành tích cao: Học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, tập thể nhà trường đoạt danh hiệu lao động tiên tiến, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Cô Huế bất ngờ nhận được quyết định chuyển về Trường tiểu học Tân Thủy.

Trong 4 năm công tác tại Trường tiểu học Tân Thủy (2010 -2014), cô Huế được huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình tặng danh hiệu lao động tiên tiến, đoàn viên công đoàn xuất sắc; được nhà trường và xã Tân Thủy khen công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia; trường được công nhận chuẩn quốc gia…

Bước vào năm thứ 3 ở trường này, cô Huế phát hiện hiệu trưởng Lê Thuận Sự sửa nâng điểm khảo sát định kỳ môn Toán lớp 4A của thầy Lê Thuận Hiệp, là chú ruột của ông Sự. Ông Sự đã sửa điểm của lớp này từ tỉ lệ đạt 47% lên 98% nhằm cứu ông Hiệp trong công tác thi đua cuối năm. Với cương vị phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô Huế không đồng tình và đề nghị ông Sự để ông Hiệp dạy lại môn Toán, sau đó lập Hội đồng chuyên môn kiểm tra lại, nhưng ông Sự không nghe.

Sau sự việc này và thêm một số việc liên quan đến chuyên môn trong nhà trường bị cô Huế phản đối, ông Sự liên kết với lãnh đạo xã, yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy chuyển cô Huế đi trường khác, vì “làm mất đoàn kết nội bộ”. UBND huyện Lệ Thủy cử đoàn về xác minh, một lần nữa không tìm thấy bằng chứng cô Huế làm mất đoàn kết nội bộ. Ông Sự bị chuyển đi trường khác.

Năm 2014, cô Huế được chuyển về Trường tiểu học số 2 Liên Thủy. Mâu thuẫn với hiệu trưởng Hoàng Thị Tươi xảy ra ngay trong năm đầu tiên. Theo cô Huế, máy tính xách tay do nhà trường cấp cho cô bị virus, hiệu trưởng gọi thợ đến khôi phục mà không thay thế linh kiện nào cả. Tuy nhiên, bà Tươi đã làm một phiếu chi 5,8 triệu đồng, nhưng cô Huế không ký.

Ngay sau đó, bà Tươi làm tờ trình lên phòng giáo dục huyện yêu cầu chuyển cô Huế đi nơi khác vì làm “mất đoàn kết nội bộ”. Lần nữa huyện về giải quyết, bà Tươi nhận sai và xin giữ cô Huế ở lại. Cô Huế ở lại và từ đây bà Tươi âm thầm lôi kéo các giáo viên trong trường và một số lãnh đạo xã Liên Thủy nhằm làm hại cô Huế. Ngày 31/3/2017, cô Huế bị miễn nhiệm chức danh phó hiệu trưởng, chuyển về Trường tiểu học Dương Thủy.

Bà Tươi, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Liên Thủy từ chối nhiều câu hỏi của PV Tiền Phong.


Chiêu trò trù dập bằng lá phiếu

Theo cô giáo Huế, vì tư thù cá nhân, bà Hoàng Thị Tươi, hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Liên Thủy đã lôi kéo giáo viên trong nhà trường, đa số là người địa phương, cùng với lãnh đạo xã Liên Thủy dùng lá phiếu để thủ tiêu đấu tranh, trù dập cô.

Theo cô giáo Huế, bà Tươi là một lãnh đạo nhập nhằng trong tài chính, dung túng vi phạm quy chế chuyên môn của giáo viên, quản lí lỏng lẻo để mất học bạ của học sinh và hồ sơ của giáo viên, bố trí cán bộ làm việc không đúng chuyên môn… Tất cả những vi phạm nói trên đều bị cô Huế phản đối, dẫn đến bà Tươi tư thù cá nhân, dùng mọi chiêu trò để triệt hạ cô.

Tháng 7/2016, khi đang học Anh văn nâng cao trình độ A2, cô Huế nhận được giấy mời của Đảng ủy xã Liên Thủy, thông báo quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, theo đơn thư tố cáo của một số giáo viên Trường tiểu học Liên Thủy 2. Nội dung kiểm tra: Có nhiều biểu hiện không đúng tư cách, tác phong của người quản lí và của một nhà giáo; có biểu hiện gây mất đoàn kết trong đội ngũ giáo viên.

“Kế hoạch kiểm tra trong vòng 23 ngày, nhưng vì không thể tìm ra lỗi của tôi nên họ kéo dài thành 2 tháng. Thấy vợ quá oan ức, chồng tôi (một cựu binh Trường Sa) đổ bệnh, nhập viện Trung ương Huế. Vào những ngày cuối của đợt kiểm tra, chồng tôi lên bàn mổ ung thư tuyến giáp. Tôi phải liên tục chạy vào, chạy ra để giải trình với tổ kiểm tra. Một mình chăm chồng, một mình đối mặt với những cáo buộc vô lí, nhiều khi muốn nhảy sông tự vẫn cho nhẹ gánh nhưng tôi không thể làm vì thương chồng, thương con” - cô Huế nói.

Ngày 24/8/2016, Đảng ủy xã Liên Thủy ra thông báo kết luận vi phạm của cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế. Theo đó, cô Huế bị cáo buộc 2 lỗi: Vi phạm tư cách của người lãnh đạo và giáo viên; gây mất đoàn kết nội bộ. Đảng ủy xã Liên Thủy yêu cầu cô Huế kiểm điểm nghiêm túc, tự nhận hình thức kỷ luật, đồng thời, yêu cầu Chi bộ Trường tiểu học số 2 Liên Thủy kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức kỷ luật đối với cô Huế.

Trên cơ sở của bản kết luận, bà Tươi với tư cách bí thư chi bộ đã tổ chức bỏ phiếu, với hình thức khai trừ Đảng đối với cô Huế. Sau đó, Đảng ủy xã Liên Thủy ra quyết định thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách đối với cô Huế.

Quá oan ức, cô Huế viết đơn khiếu nại lên UBKT Huyện ủy Lệ Thủy. Sau hơn 2 tháng kiểm tra, ngày 19/12/2016, UBKT Huyện ủy Lệ Thủy đã ra quyết định, xóa kỷ luật đối với cô Huế vì không tìm ra sai phạm như kết luận của Đảng ủy xã Liên Thủy.

Không thể xử lí kỷ luật về mặt Đảng đối với cô Huế, vào tháng 1/2017, ê kíp của bà Tươi tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm. Lần 1, thành phần bỏ phiếu gồm 5 người trong cốt cán: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn. Cô Huế chỉ được 1 phiếu tín nhiệm. Lần 2, bỏ phiếu mở rộng trong hội đồng sư phạm gồm 20 người, trong đó có 16 đảng viên vừa bỏ phiếu khai trừ Đảng cô Huế. Lần này, cô Huế được 4 phiếu tín nhiệm, 16 phiếu không tín nhiệm.

Theo cô Huế, việc bỏ phiếu này không đúng vì chưa đến thời điểm bỏ phiếu theo quy định đối với cô. “Họ dùng trò bỏ phiếu để triệt hạ tôi. Thử hỏi, 16 đảng viên vừa bỏ phiếu khai trừ Đảng đối với tôi, trong lúc tôi không hề có vi phạm, thì những lá phiếu tín nhiệm tôi cũng do những người này bỏ có công bằng, công tâm hay không?” - cô Huế nói.

Lấy cớ cô Huế không đạt phiếu tín nhiệm, Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ huyện Lệ Thủy ký công văn tham mưu cho UBND huyện Lệ Thủy miễn nhiệm chức danh phó hiệu trưởng của cô Huế.

Không như người bình thường?

Đi tìm câu trả lời cho những bất thường trong việc miễn nhiệm cô Đỗ Thị Hồng Huế, PV Tiền Phong đã tìm gặp lãnh đạo huyện Lệ Thủy, những người có liên quan. Ông Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng Giáo dục huyện Lệ Thủy yêu cầu PV phải ghi nội dung làm việc vào giấy để ông chuẩn bị trước. Tuy nhiên, buổi làm việc sau đó đã không mang lại kết quả, mặc dù có mặt đầy đủ lãnh đạo và chuyên viên của Phòng Giáo dục huyện Lệ Thủy. Ông Hào từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi mà PV Tiền Phong nêu ra, với lí do UBND huyện miễn nhiệm thì Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm trả lời.

Nói về 3 lần chuyển trường, ông Hào nói là do cô Huế đã không tạo được mối đoàn kết với hiệu trưởng, không tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ giáo viên và chính quyền địa phương. Khi được hỏi về các sự kiện dẫn đến “mâu thuẫn” giữa cô Huế và hiệu trưởng các trường trước khi cô Huế bị chuyển đi mà Phòng Giáo dục có về giải quyết, ông Hào cho rằng nhất thời không nhớ.

Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, người ký quyết định miễn nhiệm chức danh phó hiệu trưởng của cô Huế cho rằng, ông ký theo tham mưu của Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ. Ông Bảo nói việc mình ký là đúng quy định, vì cô Huế đạt phiếu tín nhiệm quá thấp.

Nhận xét về cô Huế, ông Bảo cho rằng, tất cả các mặt đều tốt, tuy nhiên về lối sống, quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp, nhân viên “quá cứng nhắc, không như một người bình thường”. Đến như việc gặp riêng tôi để trao đổi cô ấy cũng dùng điện thoại ghi âm” - ông Bảo nói.

“Họ dùng trò bỏ phiếu để triệt hạ tôi. Thử hỏi, 16 đảng viên vừa bỏ phiếu khai trừ Đảng đối với tôi, trong lúc tôi không hề có vi phạm, thì những lá phiếu tín nhiệm tôi cũng do những người này bỏ có công bằng, công tâm hay không?”.

Đỗ Thị Hồng Huế

Tác giả: Hoàng Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP