Liên quan đến việc "Phụ huynh tố tình trạng "lạm thu" tại trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng" (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin), ngày 31/7, ông Nguyễn Văn Tuấn (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng, đang có con theo học tại trường này) cho biết vừa tiếp tục gửi đơn đến UBND TP Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng sau những "email" trả lời bất hợp lý của Công ty Cổ phần Kinderworld Việt Nam (đơn vị đầu tư và quản lý trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng).
Theo ông Tuấn, trước đó, ông có gửi đơn khiếu nại tới cơ quan chức năng và Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã quan tâm xử lý. Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã có Công văn số 2056/SGDĐT-TTr ngày 17/7/2019 trả lời cho ông Tuấn.
Theo đó, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có đề nghị Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở quốc tế Việt Nam Singapore, Hiệu trưởng Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng phải thông báo, giải thích rõ ràng, thống nhất với phụ huynh bằng văn bản trước khi thực hiện các khoản thu theo thỏa thuận, trong đó có khoản thu tiền đặt cọc.
Các trường rà soát, xem xét lại việc thực hiện thu tiền đặt cọc của cha mẹ học sinh, tránh việc thu và giữ khoản tiền này trong thời gian dài nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở quốc tế Việt Nam Singapore, Hiệu trưởng Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng tiếp tục làm việc với ông Tuấn để giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo kết quả làm việc để Sở GD&ĐT biết trước ngày 31/7/2019.
Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng. |
Theo ông Tuấn, từ thời điểm Sở GD&ĐT gửi văn bản chỉ đạo đến nay phía nhà trường vẫn chưa sắp xếp cuộc họp với phụ huynh để thỏa thuận về khoản đặt cọc. Đồng thời, nhà trường vẫn tiếp tục giữ điều khoản phí đặt cọc vô lý để chiếm dụng tiền của phụ huynh trong thời gian dài, không tuân thủ chỉ đạo của Sở GD&ĐT theo công văn nêu trên.
Ông Tuấn nói: "Vấn đề này, Ban lãnh đạo trường đã có cách làm việc vô cùng áp đặt và phản giáo dục. Cụ thể: Ngày 29/7/2019, Giám đốc Chi nhánh Kinderworld Việt Nam tại Đà Nẵng đã đơn phương gửi email thông báo với tôi về việc ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục cho con tôi vào năm học mới 2019-2020. Phụ huynh chúng tôi đã đóng trước cả năm học đầy đủ tất cả các nghĩa vụ liên quan đến học phí và các khoản thu hợp lý khác, nhà trường đã thu tiền và nhận hồ sơ đồng nghĩa với việc cam kết cung cấp dịch vụ giáo dục cho con tôi. Chỉ vì vấn đề tài chính liên quan đến khoản tiền cọc vô lý mà phụ huynh phản đối và đang giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT mà nhà trường đã buộc học sinh chuyển trường, điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của con tôi. Nhà trường đã dùng học sinh để gây áp lực cho phụ huynh nhằm áp đặt phụ huynh phải đồng ý chấp nhận nộp khoản tiền cọc vô lý đã nêu".
Từ đó, ông Tuấn cho rằng, trường Tiểu học và Trung học cơ sở quốc tế Việt Nam Singapore, Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng là một đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục nhưng cách hành xử rất phi giáo dục, áp đặt, tự tiện và không tôn trọng phụ huynh, xem thường chỉ đạo của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
"Tôi mong ngành chức năng xem xét và có ý kiến chỉ đạo phù hợp để đảm bảo đặt quyền lợi về học hành của học sinh lên hàng đầu, tạo sự công bằng trong môi trường giáo dục của thành phố", ông Tuấn nói.
Kinderworld Việt Nam gửi email trả lời cho ông Tuấn. |
Trước đó, ngày 24/7, Kinderworld Việt Nam có gửi email cho ông Tuấn và cho biết nhà trường đã mời ông Tuấn tham dự hai buổi họp với đại diện nhà trường vào ngày 28/6 và 4/7 để nhà trường thảo luận và giải thích thêm về "khoản đặt cọc". Tuy nhiên, ông Tuấn không tham dự cả hai cuộc họp và yêu cầu dời cuộc họp vào một ngày khác, cùng với sự tham gia của cơ quan truyền thông. Nhưng nhà trường không thể dời lịch cuộc họp gần nhất - ngày 4/7 sang ngày khác vì những kế hoạch đã định sẵn từ trước.
"Việc không chấp thuận khoản tiền đặt cọc này không đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ của chúng tôi. Nếu ông vẫn không đồng ý với khoản phí đặt cọc, ông có thể lựa chọn không tiếp tục cho con học tại trường. Nhà trường sẽ hoàn lại toàn bộ học phí và các khoản phí khác mà ông đã đóng cho năm học 2019-2020", nội dung email của Kinderworld Việt Nam gửi cho ông Tuấn.
Theo ông Tuấn, ông không chấp nhận cách trả lời và giải quyết như trên của Kinderworld Việt Nam. Ông này cho rằng, đại diện công ty chưa bao giờ giải thích với tập thể phụ huynh về số tiền phạm luật mà công ty cố ý lạm thu.
Bên cạnh đó, lời mời họp của đại diện công ty vào ngày 4/7 quá gấp gáp khiến nhiều người không sắp xếp được. "Chúng tôi có quyền chọn ngày họp để phù hợp công việc của chúng tôi chứ không phải đại diện công ty mới có đặc quyền ấy", ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cho hay, không chỉ cá nhân ông, mà còn những phụ huynh khác tuyệt đối không chấp nhận các khoản phí lạm thu do công ty tự đặt ra mà không thông qua thỏa thuận nào với chúng tôi trước đó.
"Chúng tôi hoàn toàn có quyền vừa phản đối những khoản lạm thu, yêu cầu lập hội phụ huynh vừa có quyền để con chúng tôi tiếp tục học tại trường vì đó là quyền hiến định. Chúng tôi bảo lưu ý định khởi kiện ra tòa dân sự với việc lạm thu trái luật của công ty Kinderworld đối với chúng tôi", ông Tuấn nói.
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, vừa qua, ông Tuấn cùng một số phụ huynh phản ánh việc nhà trường lạm thu. Vào đầu năm học, phụ huynh đã đóng trước 100% tất cả các khoản gồm phí ghi danh, học phí, học phí song ngữ, tiền ăn bán trú…Nhưng nhà trường còn tự ý đặt ra một khoản phí gọi là phí đặt cọc năm học 2019-2020 là 8 triệu đồng/học sinh.
Theo phản ánh của phụ huynh, khoản tiền đặt cọc này sẽ chỉ hoàn trả khi học sinh thôi học tại trường. Trong khi nhiều học sinh học đến lớp 12, như vậy, nhà trường đã thu và chiếm dụng vốn của phụ huynh trong một thời gian dài. Nhiều phụ huynh đã bức xúc gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...
Tác giả: Đ.Hoàng
Nguồn tin: Báo Tổ quốc