Trong nước

Phải tự chủ trong mọi tình huống

Dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi nhân 50 năm chiến dịch Mậu Thân 1968 và 45 năm ký kết Hiệp định Paris, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh bài học “dĩ bất biến” này.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ảnh: LÊ KIÊN

"Để đất nước phát triển, có thể chúng ta có cách nghĩ khác nhau, cách làm khác nhau, tranh luận kịch liệt với nhau, nhưng cuối cùng phải đạt được sự thống nhất về đường lối và hành động"

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH


Ông Vịnh nói:


- Mục tiêu đấu tranh của cách mạng VN là giành độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta có chân lý, có chính nghĩa, đang trên thế thắng và sẽ thắng.

"Dựa sức ta mà tự giải phóng cho ta"

* Và đó là lý do và cũng là mục đích để lãnh đạo VN quyết định mở chiến dịch Mậu Thân 1968?

- Đúng vậy, đầu tiên là phải đánh cho Mỹ thua trên chiến trường, sa lầy về mặt quân sự, đi đến thất bại về chính trị; bị cộng đồng quốc tế cũng như nhân dân tiến bộ Mỹ phản đối. Kết hợp đấu tranh trên các mặt trận cùng với đấu tranh quân sự, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Từ đó kéo Mỹ vào bàn đàm phán trong thế bị động, thế thua trên chiến trường; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, buộc Mỹ phải rút quân khỏi VN.

Đấy là bối cảnh và lý do để chúng ta bước vào cục diện mới - vừa đánh vừa đàm. Nhưng muốn làm được điều đó, cần phải tạo ra bước ngoặt về mặt quân sự, tiếp tục làm suy yếu cơ bản ý đồ xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân đã buộc Mỹ phải chấp nhận cục diện mới - vừa đánh vừa đàm, đúng với phương châm của chúng ta là kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao.

* Với những phân tích như ông trình bày, phải chăng cuộc đàm phán dẫn đến ký kết Hiệp định Paris 1973 mới là kết quả lớn nhất có nguồn gốc từ chiến dịch Mậu Thân 1968?

- Vâng, việc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với chúng ta ở Paris đã khẳng định thế bị động, thế yếu của Mỹ. Thực chất chúng ta đã bước đầu bẻ gãy ý chí xâm lược của Mỹ.

Ngay từ đầu cuộc chiến, Mỹ luôn đứng trên "thế mạnh/nước lớn" đặt điều kiện, lớn tiếng đe dọa VN phải đầu hàng... Tất cả những tuyên bố hung hăng đó đã bị thực tế cuộc chiến chứng minh là vô nghĩa.

Về mặt chính trị, đây là thành quả rất to lớn của chúng ta và Mỹ đã phải chấp nhận thế "thua", từ bỏ ý đồ chiến lược mà họ rêu rao ngay từ đầu cuộc chiến tranh.

Bên cạnh đó, thành phần đàm phán Hiệp định Paris gồm bốn bên, trong đó có Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN là một thắng lợi to lớn về chính trị, ngoại giao.

Trong bối cảnh quốc tế lúc đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN, một thể chế, một tổ chức chính trị - quân sự hoàn chỉnh, đại diện cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam, mà Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận và được thế giới công nhận là vô cùng quan trọng.

Một kết quả quan trọng khác của Hiệp định Paris là đưa vấn đề cuộc chiến tranh VN ra quốc tế, khẳng định tính chính nghĩa của chúng ta.

Chúng ta làm cho thế giới thấy đây là cuộc chiến tranh giữa Mỹ với VN chứ không phải là chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc; càng không phải là cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" giữa các nước lớn.

Đồng thời, khẳng định đây không chỉ là vấn đề giữa VN với Mỹ mà là vấn đề của thế giới - vấn đề hòa bình hay chiến tranh. Việc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào đàm phán là thắng lợi của chân lý, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 cũng như của Hiệp định Paris đem lại nhiều giá trị to lớn, đồng thời chứng minh một chân lý, một bài học quan trọng nhất của chiến tranh giải phóng và của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là: độc lập, tự chủ luôn là nhân tố quyết định.

Điều này đã được Bác Hồ khẳng định: "...dựa sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Trên chiến trường, chỉ có lực lượng quân đội cách mạng VN đối đầu với quân Mỹ và chư hầu. Ngồi vào bàn đàm phán cũng chỉ có đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam với phía bên kia là Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Đến năm 1973, việc quyết định ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh và những vấn đề hậu chiến cũng là giữa VN với Mỹ.

Các thế hệ lãnh đạo của chúng ta, ngay từ đầu đã chuẩn bị cho cuộc đối đầu trực diện buộc Mỹ phải xuống thang, đẩy Mỹ vào thế bị động cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đi đến kết thúc chiến tranh, trên tinh thần độc lập, tự chủ của VN.

Chúng ta hết sức mong muốn hòa bình với Mỹ; hết sức biết ơn sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc; cảm ơn phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Nhưng vận mệnh của dân tộc khi đối mặt kẻ thù do chính chúng ta quyết định. Độc lập, tự chủ là vấn đề mang tính nguyên tắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo TP.HCM xem triển lãm "Mừng xuân Mậu Tuất - Mừng Đảng quang vinh - Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968" tại công viên 30-4 - Ảnh T.TRUNG

Chính nghĩa và nhân nghĩa

* Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Mậu Thân 1968, thế giới đã có nhiều thay đổi. Theo ông, chúng ta vận dụng các bài học kinh nghiệm như thế nào trong môi trường quan hệ quốc tế hiện nay?

- Nửa thế kỷ trôi qua, có nhiều thứ đã thay đổi, nhưng tôi cho rằng "bàn cờ" thế giới không có nhiều thay đổi lớn, các nước lớn vẫn giữ vị trí của họ trong "cuộc chơi" toàn cầu.

Hẳn nhiên là trong thời gian đó có nhiều quốc gia bứt phá đi lên, những quốc gia nhỏ phát triển kinh tế để "hóa hổ, hóa rồng", nhưng trật tự thế giới về cơ bản vẫn không thay đổi.

Mối quan hệ giữa các nước lớn, giữa nước lớn và nước nhỏ, giữa các "nhóm" với nhau, cơ bản là vẫn như vậy. Cho dù quan hệ ra sao, biến chuyển thế nào, thì bất cứ quốc gia nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên hết.

Đảng ta đã phân tích sâu sắc bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực hiện nay, đề ra đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối đó đã kế thừa kinh nghiệm, truyền thống lịch sử dân tộc, kế thừa tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh.

Điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ là phải luôn độc lập, tự chủ trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt Nam phải tự giải quyết mọi vấn đề của mình, quyết định vận mệnh của mình, nhất quyết không được để bên ngoài quyết định.

Để đất nước phát triển, có thể chúng ta có cách nghĩ khác nhau, cách làm khác nhau, tranh luận kịch liệt với nhau, nhưng cuối cùng phải đạt được sự thống nhất về đường lối và hành động.

Đồng thời, chúng ta luôn khẳng định tính chính danh, chính nghĩa và nhân nghĩa của Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quan hệ quốc tế, để chúng ta có thêm nhiều những người bạn tốt, người bạn tin cậy, hợp tác cùng phát triển.

Người đi trước lo cho người đi sau

* Là người con của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lúc ấy ông cảm nhận như thế nào về việc chuẩn bị cho chiến tranh?

- Trước thời điểm năm Mậu Thân, khi ba tôi chuẩn bị vào Nam để thực hiện kế hoạch X, tham gia chỉ huy Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, tôi còn rất nhỏ và không biết về những công việc mà ba tôi và các đồng đội của ông đã làm.

Đó là vào những năm 1966-1967, chiến tranh phá hoại lan rộng ra miền Bắc, trẻ em, người già ở Hà Nội và các thành phố lớn phải sơ tán triệt để về vùng nông thôn, rừng núi.

Bên cạnh đó, đích thân Bác Hồ đã chỉ thị tổ chức các trại sơ tán; đặc biệt là một số trường thiếu sinh quân như Trường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Trường Dân tộc..., gồm con em cán bộ cách mạng, cán bộ chiến đấu ở miền Nam, đồng bào dân tộc và học sinh ưu tú trên cả nước được gửi đi học ở Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN khác.

Trong gia đình cũng vậy. Những ngày ba tôi sắp đi miền Nam, ông đã mời ông bà ngoại tôi từ Quảng Bình ra Hà Nội, nhờ đưa chúng tôi lên trại sơ tán; làm các việc để ở lâu dài tại nơi sơ tán như đào hầm, chỗ chứa nước, chỗ ăn...

Tôi cũng được theo ba đi thăm một vài khu căn cứ ở vùng rừng núi phía Bắc, được xây rất kiên cố. Lúc bấy giờ tuy còn rất nhỏ nhưng tôi hiểu là sắp đánh nhau to rồi, không biết sống chết như thế nào.

Bây giờ nghĩ lại, việc gửi con em đi như vậy là chuẩn bị cho cuộc chiến đấu không khoan nhượng, sống chết, lâu dài với Mỹ; người đi trước lo cho con mình tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu theo sự nghiệp của cha ông.

Sau này lớn lên, tôi được biết rằng ngay thời điểm đó Bác Hồ đã dự báo là Mỹ sẽ đánh ra miền Bắc, đánh Hà Nội, sẽ đánh rất ác liệt.

Và nếu ta có thắng Mỹ cũng là phải thắng trên bầu trời Hà Nội. Đấy là đỉnh điểm của cuộc chiến tranh một mất một còn.

Tác giả: ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN (thực hiện)

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP