Toàn bảng chữ cái (âm vị) Tiếng Việt (thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Bùi Hiền cho biết, phần thứ nhất đã công bố mới chỉ đề cập cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”. Ở phần thứ 2, ông hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của Tiếng Việt.
"Tôi tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội) để từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc một âm vị - một chữ cái", PGS.TS Bùi Hiền cho hay.
Theo ông, có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là: Số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng.
Về nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt. Hiện tại, trong hệ thống nguyên âm tiếng Việt đã ghi nhận và thường xuyên dùng theo các quy chuẩn chính tả bao gồm 16 nguyên âm thể hiện bằng những chữ cái trong các vị trí điển hình độc lập hoặc đứng trong tổ hợp âm tiết có phụ âm đi cùng như sau:
|
Sau khi xác định xong hai hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội. Toàn bảng chữ cái (âm vị) Tiếng Việt (thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị của PGS Bùi Hiền.
Toàn bảng chữ cái (âm vị) Tiếng Việt (thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị của PGS Bùi Hiền. |
Trong bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Những chữ cái in đậm trong bảng trên để lưu ý rằng, đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
PGS.TS Bùi Hiền khẳng định, việc cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm cho tiếng thủ đô Hà Nội, chứ không tác động vào hệ thống âm vị làm tiếng nói khác đi, dẫn đến ý nghĩa khác đi như một số lời đồn thổi trong thời gian vừa qua.
PGS.TS Bùi Hiền trao đổi với PV tại nhà riêng. |
"Việc nghiên cứu khoa học là quyền của tôi"
Trước đó, như Dân trí đưa tin, vào cuối tháng 11/2017, phần 1 đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền ngay khi xuất hiện trên truyền thông gây ra nhiều ý kiến tranh cãi, thậm chí bị "ném đá" gay gắt.
Khi được hỏi về lý do công bố phần còn lại của công trình sớm hơn dự kiến, PGS.TS Bùi Hiền khẳng định, sở dĩ ông công bố sớm hơn dự kiến (tháng 3/2018) không phải vì "bị ném đá" sau khi công bố phần cải tiến phụ âm.
“Trong tiếng Việt bao giờ cũng phải có hai phần phụ âm và nguyên âm luôn đi kèm với nhau. Có phụ âm chắc chắn phải có phần nguyên âm thì mới ghép được thành câu từ.
Thời gian qua dù có bị nhiều ý kiến phản đối gay gắt nhưng tôi cho đó là hiện tượng bình thường bởi công trình của tôi vẫn chưa hoàn chỉnh. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho biết vẫn chưa có chủ trương áp dụng phương án cải tiến chữ quốc ngữ nào, đó là việc của các nhà quản lý. Việc tôi nghiên cứu dưới góc độ khoa học và mang tính cá nhân thì đó là quyền của tôi”.
PGS.TS ngôn ngữ học cũng không quá buồn trước những ý kiến bình luận khiếm nhã. Ông nhấn mạnh, bản thân đã dành hơn 40 năm nghiên cứu công trình khoa học này và trải qua nhiều khó khăn, để có được văn bản hoàn thiện hôm nay ông cảm thấy rất mãn nguyện.
“Từ hơn 20 năm trước, khi công trình bước đầu cho ra kết quả, tôi đã nêu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ trên một tạp chí khoa học nhưng không được xem xét.
Việc cải tiến chữ quốc ngữ của tôi hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng 4.0. Đây là nghiên cứu, đề xuất khoa học mang tính cá nhân chứ có phải của Nhà nước đâu, việc có thể áp dụng hay không sẽ do Chính phủ quyết định.
Còn những ý kiến bình luận thiếu thiện chí, thậm chí ác ý, tôi cho đó là chuyện bình thường bởi sẽ có người hiểu, có người chưa hiểu. Việc nghiên cứu khoa học tôi thử nghiệm, nếu thích thì bạn có thể sử dụng, nếu không thì thôi có ai bắt ép các bạn phải sử dụng”, PGS.TS Bùi Hiền chia sẻ.
Theo ông, với đặc trưng dễ nhớ và dễ đọc thì để học toàn bộ bảng chữ cải tiến chỉ mất 1 - 2 ngày với những người đã biết chữ hiện hành. Học sinh lớp 1 và người dân tộc, người nước ngoài sẽ rút ngắn được thời gian học "vỡ lòng" ít nhất một nửa so với cũ.
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí