Pháp luật

Ông Phạm Công Danh vô hiệu cả tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước

Không xin ý kiến, không trình ký, dù bị giám sát, cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh vẫn dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền, thực hiện hành vi phạm tội.

Theo cáo trạng, Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần Nông thôn Rạch Kiến, khi được ông Phạm Công Danh tiếp quản đã đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Đầu năm 2012, Đại Tín có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nhóm cổ đông Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn là đại diện) sở hữu hơn 80% cổ phần.

Từ năm 2012, trước việc Đại Tín liên tục thua lỗ, ông Đặng Thanh Bình (Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước) ký quyết định thành lập tổ giám sát hoạt động của ngân hàng này. Theo đó, tổ này chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thống đốc về các quyết định của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại quyết định này và các văn bản chỉ đạo liên quan khác của Thống đốc.

Tổ còn được quyền có ý kiến với các giao dịch, hoạt động của Đại Tín trước khi ngân hàng này thực hiện: các giao dịch làm thay đổi giá trị của khoản mục "tiền mặt, vàng, bạc, đá quý", tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng khác có giá trị hoặc giá trị quy đổi từ 5 tỷ đồng trở lên.

Cáo trạng kết luận, tổ giám sát có quyền tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu, hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm của Đại Tín; yêu cầu ngân hàng này báo cáo, cung cấp tài liệu; làm việc với mọi cấp cán bộ, đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ, đối tác… Tuy nhiên, các bị can đã thụ động, hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, để cho ông Danh và đồng phạm tùy tiện thực hiện hành vi rút tiền, sử dụng tiền trái luật mà không chủ động có biện pháp ngăn chặn.

Ông Phạm Công Danh rút 18.000 tỷ đồng dù bị giám sát

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 28/12/2012 ông Trần Sơn Nam (Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) ký văn bản về việc xin ý kiến tổ giám sát cho hai công ty TNHH Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương vay 650 tỷ đồng.

Cùng ngày, tổ trưởng tổ giám sát là ông Hà Tấn Phước có ý kiến tại hai văn bản trên, đề nghị Đại Tín thực hiện mức dư nợ bằng thời điểm 31/12/2011 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Có nghĩa, Đại Tín không được tăng trưởng tín dụng theo quy định của ngân hàng nhà nước - dư nợ tín dụng trong suốt cả năm 2012 không được vượt quá dư nợ tín dụng thời điểm 31/12/2011. Dù vậy cùng ngày, Đại Tín vẫn giải ngân cho hai công ty trên vay tổng cộng 650 tỷ đồng. Nhà chức trách xác định, việc này đã gây thiệt hại 471 tỷ đồng.

Ông Phạm Công Danh. Ảnh: Thành Nguyễn

Tiếp đó, ngày 26/4/2013, ông Phan Thành Mai (Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) có văn bản đề nghị tổ giám sát cho ngân hàng này được gửi 1.850 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng tại Sacombank để đảm bảo khả năng thanh khoản.

Tổ trưởng Hà Tấn Phước và tổ viên Ngô Văn Thanh đã ký vào tờ trình. Số tiền này sau đó được ông Danh và đồng phạm dùng làm tài sản đảm bảo để vay tiền tại Sacombank nhưng không trả được.

Ngày 22/5-23/5/2013, phó tổng giám đốc Phan Thành Mai lại có tờ trình đề nghị tổ giám sát cho ngân hàng được chuyển ba khoản mỗi khoản 300 tỷ đồng theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư cho công ty quản lý Quỹ Lộc Việt. Hai tờ trình này không có ý kiến, chữ ký của tổ giám sát.

Ngày 28/5/2013, ông Phan Thành Mai tiếp tục trình đề nghị tổ giám sát cho chuyển khoản tiền 303 tỷ đồng theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư cho Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt. Như trước, cả ba tờ trình đều không có ý kiến, chữ ký của tổ trưởng Hà Tấn Phước và tổ viên Ngô Văn Thanh.

Trong các ngày có tờ trình nêu trên, ngân hàng đã chuyển số tiền trên cho Công ty quản lý quỹ Lộc Việt. Số tiền này sau đó được ông Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân không thu hồi được, gây thiệt hại cho 903 tỷ đồng.

Ngày 14-28/6/2013, ngân hàng này đã chuyển 63 tỷ đồng tạm ứng cho Công ty cổ phần An Phát theo hợp đồng nâng cấp hệ thống Corebanking không xin ý kiến tổ giám sát. Tại thời điểm số tiền này bị chuyển đi, tổ giám sát không phát hiện được. Số tiền này sau đó không sử dụng để nâng cấp hệ thống Corebanking mà được Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân không thu hồi được.

Ngày 26/7/2013, ngân hàng chuyển 200 tỷ đồng tạm ứng đặt cọc thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành, quận 10 TP HCM nhưng không có ý kiến của tổ giám sát. Trước yêu cầu của tổ giám sát, ngân hàng đã thu hồi được 20 tỷ đồng. Số tiền còn lại ông Danh sử dụng vào mục đích cá nhân không thu hồi được...

Một tháng sau đó, ông Hoàng Đình Quyết (phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ cho hai nhóm cá nhân (16 người) vay 5.000 tỷ đồng nhưng không có tờ trình xin ý kiến của tổ giám sát. Số này được ông Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng vào mục đích cá nhân, hiện không thu hồi được.

Cơ quan tố tụng kết luận trong thời gian ông Hà Tấn Phước là tổ trưởng tổ giám sát, từ ngày 14/2/2012 đến 15/10/2013, ông Phạm Công Danh đã rút hơn 9.000 tỷ đồng của ngân hàng ở bảy giao dịch.

Bên cạnh đó, trong thời gian ông Lê Văn Thanh làm tổ trưởng tổ giám sát, kế nhiệm ông Phước, từ 15/10/2013 đến tháng 3/2014, ông Phạm Công Danh đã rút tiếp 9.000 tỷ đồng ở năm giao dịch.

Theo cáo buộc, từ khi nhóm cổ đông mới là ông Phạm Công Danh quản trị, điều hành, hoạt động của ngân hàng này không hiệu quả. Nếu giữa năm 2012 vốn chủ sở hữu của Đại Tín âm gần 3.000 tỷ đồng, lỗ 6.000 tỷ đồng thì đến cuối năm này, ngân hàng lỗ thêm gần 3.000 tỷ, vốn âm thêm hơn 2.000 tỷ.

Đến cuối năm 2013, Đại Tín bị lỗi tới hơn 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 8.000 tỷ đồng. Tại thời điểm khởi tố vụ án (giữa năm 2014), vốn chủ sở hữu âm tới hơn 18.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả tới hơn 38.000 tỷ đồng.

Cán bộ giám sát bị cáo buộc 'thụ động'

Sau khi trừ đi những khoản tiền được thu hồi và nhưng khoản được loại trừ trách nhiệm, cáo trạng kết luận bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm với hậu quả thiệt hại hơn 3.400 tỷ đồng, Lê Văn Thanh: 6.500 tỷ đồng, Phạm Thế Tuân: 3.400 tỷ đồng và Ngô Văn Thanh: 10.000 tỷ đồng.

Ở cơ quan điều tra, cựu tổ trưởng Hà Tấn Phước khai chịu trách nhiệm chính với những gì đã xảy ra tại Đại Tín/VNCB trong thời gian đương chức. Ông Lê Văn Thanh khai do năng lực hạn chế, công việc phức tạp, không hiểu hết được ý đồ, thủ đoạn của Phạm Công Danh và Phan Thành Mai nên đã không kịp thời, không quyết liệt trong việc phát hiện xử lý các việc xảy ra như trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ông Phạm Thế Tuân khai tham gia giám sát giao dịch 5 tỷ đồng trở lên theo bảng phân công. Khi phát hiện sai phạm của Đại Tín/VNCB, tổ giám sát có báo cáo Ngân hàng Nhà nước nhưng việc báo cáo chưa kịp thời và kiến nghị chưa đầy đủ. Tổ giám sát chưa thực hiện hết thẩm quyền, tuy có yêu cầu Đại Tín/VNCB chấm dứt vi phạm, thu hồi các khoản tiền vi phạm nhưng không có biện pháp cụ thể để ngăn chặn, thu hồi.

Ông Ngô Văn Thanh khai biết trách nhiệm phải giám sát trước khi chuyển tiền nhưng do ngân hàng cố tình không báo cáo nên không giám sát được.

Theo cơ quan tố tụng, không chỉ bốn người trong tổ giám sát nêu trên, cựu phó thống đốc Phạm Thanh Bình cũng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không đúng thực hiện đúng phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín do Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ. Ông cũng không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đảo bảo tính đúng đắn, chính xác với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh mà vẫn quyết định để ông Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành Đại Tín.

Các sai phạm trên của ông Bình được cho là đã tạo điều kiện để ông Danh sử dụng ngân hàng "như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tài chính tín dụng quốc gia. Ngân hàng Nhà nước sau đó phải mua lại Đại Tín/Xây dựng với giá 0 đồng.

VKSND Tối cao vào cuối tháng 3 đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình (cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước), Lê Văn Thanh (cựu chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, tổ trưởng giám sát Ngân hàng Xây dựng), Hà Tấn Phước (cựu phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, tổ trưởng giám sát ngân hàng Đại Tín/Xây dựng), Phạm Thế Tuân (cựu phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP HCM, tổ phó giám sát Ngân hàng Xây dựng), Ngô Văn Thanh (cựu phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An, tổ viên tổ giám sát Ngân hàng Đại Tín/Xây dựng).

5 bị can được tại ngoại, cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 2 điều 285 Bộ luật Hình sự 1999), với khung hình phạt từ 3 đến 12 năm.

Tác giả: Huy Nhiên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP