Trong nước

Ông Nguyễn Bắc Son có bút phê để ông Trương Minh Tuấn 'vượt quyền' Thủ tướng

Trước khi bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị xác định là có hàng loạt sai phạm trong Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Đặc biệt là vi phạm về việc ký các văn bản trái quy định của pháp luật.

Bắt 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (phải)

Mấu chốt của vụ án, việc MobiFone mua AVG là dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có mức đầu tư cao hơn 5.000 tỉ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng, nhưng vào thời điểm phê duyệt dự án, với tư cách Bộ trưởng Bộ TTTT, ông Nguyễn Bắc Son đã không trực tiếp ký mà lại có bút phê để ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT thời điểm đó ký Quyết định 236/QĐ-BTTTT ngày 18/5/2015 phê duyệt dự án trái thẩm quyền.

Quyết định này được ký phê duyệt khi Dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đã vi phạm quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13; chưa phê duyệt Dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm A, vi phạm quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ...

Trước đó, tại Văn bản số 209/BTTTT-QLDN ngày 28/10/2015 , Bộ TTTT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông”.

Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 4 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng. Mặt khác, dù chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng tại Điều 3 của Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt dự án đầu tư, Bộ TTTT đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện; vi phạm các quy định của Bộ TTTT tại: Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 về Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz; Quyết định số 80/QĐ-BTTTT ngày 22/1/2014 về Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz giai đoạn 2014 - 2017.

Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).

Biểu hiện cố ý làm trái còn được thể hiện qua việc giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là 2 yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, bản thân lãnh đạo Bộ TTTT có thời điểm băn khoăn và đề nghị được trợ giúp... Thế nhưng khi những vấn đề này chưa được làm rõ, ông Nguyễn Bắc Son đã có bút phê để ông Trương Minh Tuấn ký trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, trong đó có 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, mặc dù trước đó đã chỉ đạo Mobifone không mua 2 khoản đầu tư ngoài ngành.

Đáng chú ý, trước khi thương vụ Mobifone mua AVG diễn ra, từ tháng 10/2014, AVG có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TT-TT, lúc đó là ông Nguyễn Bắc Son, về việc doanh nghiệp này chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài. Trong đó, có nội dung đi tới thống nhất đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần AVG để trở thành cổ đông chiến lược, giá mua bằng 7 lần giá vốn, tức vào khoảng 525 triệu USD, tương đương 75% cổ phần. AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu USD. Từ công văn này, Bộ TTTT có chủ trương mua lại cổ phần AVG nhằm đảm bảo an ninh chính trị. Ông Nguyễn Bắc Son cũng là người ký quyết định bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh cho MobiFone sau khi xảy ra việc AVG chào bán cổ phần.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, cả AVG và Bộ TTTT đã không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng từ nào về việc AVG đàm phán với đối tác nước ngoài, cũng như nhận khoản đặt cọc 10 triệu USD. Như vậy để thấy các thông tin về việc chào bán cổ phần, giá trị của AVG đã được dàn dựng?

Do MobiFone là doanh nghiệp nhà nước nên việc dùng hàng ngàn tỉ đồng mua cổ phần phải được lập dự án, có sự thẩm định, phê duyệt của nhiều ngành chức năng. Mặc dù tiềm lực AVG là rất bê bết, được cảnh báo bởi chính Mobifone cùng nhiều chuyên gia, song đã bị lãnh đạo Bộ TTTT phớt lờ.

Cơ quan chức năng kết luận, ông Nguyễn Bắc Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến Dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện Dự án, để xảy ra nhiều vi phạm.

Đối với ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư BCSĐ, Bộ trưởng Bộ TTTT nhiệm kỳ 2011-2016, ngoài vi phạm qua việc ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21/12/2015 của Bộ TTTT đã ký các văn bản liên quan không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư (mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư) nhưng thực tế Mobifone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.

Ngoài ra, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định. Việc Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư, vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của dự án… là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ TTTT không thể căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để cho rằng mình đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ TTTT xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TTTT đã không thực hiện, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng là không đúng quy định.

Tác giả: HOÀNG ANH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP