Ông Phan Xuân Quang, Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Thanh Khê – Liên Chiểu (Đà Nẵng) mới đây đã ký Quyết định 4311/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Thương mại Quảng Trị).
Quyết định nêu Thương mại Quảng Trị đã chậm nộp tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2022 trên 90 ngày so với hạn định đối với 2 thửa đất liền kề tại Đà Nẵng. Đó là thửa đất có địa chỉ 466 và 468 đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu).
Với vi phạm này, Thương mại Quảng Trị bị áp dụng hình thức tăng nặng do vi phạm nhiều lần. Công ty bị phạt 1,5 lần số tiền thuế tại thửa 466 và 2 lần số tiền thuế liên quan thửa 468, tổng cộng số tiền phạt phải nộp là 4.638.751 đồng.
Thương mại Quảng Trị dính án phạt về thuế ở Đà Nẵng |
Được biết, Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị vào năm 2014. Đây là doanh nghiệp khá tiếng tăm ở Quảng Trị, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột, thực phẩm, đồ uống, gỗ, nông sản, kinh doanh nhà hàng khách sạn.
Công ty hiện có vốn điều lệ 84 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Quảng Trị là cổ đông lớn nhất với việc góp 19 tỷ đồng, tương đương năm giữ khoảng 22,6% cổ phần công ty.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2023, doanh thu của Thương mại Quảng Trị đạt 1.435,5 tỷ đồng, tăng 5,4%; lãi ròng ở mức 17 tỷ đồng, tăng 6,25% so với năm 2022. Quy mô tài sản ở 31/12/2023 hơn 593,4 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 2022. Trong đó, giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm khoảng 64% tài sản ngắn hạn.
Trong cơ cấu vốn Thương mại Quảng Trị, nợ phải trả ở mức 489,5 tỷ đồng, gấp hơn 4,7 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay dài hạn chiếm tỷ lệ cao, lên đến 319,9 tỷ đồng (vay trong ngắn hạn hơn 93 tỷ đồng). Trong năm tài chính 2023, Công ty phải chi hơn 37,7 tỷ đồng để trả lãi vay.
Thương mại Quảng Trị (SEPON Group) là một trong những DN lớn đóng chân trên địa bàn. Ảnh: sepon.vn |
Các chủ nợ trong dài hạn có thể kể đến gồm Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh Quảng Trị đang có 4 hợp đồng cho Thương mại Quảng Trị vay vốn, tổng hạn mức vay xấp xỉ 60 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Quảng Trị có 1 HĐ cho vay, hạn mức 70 tỷ trong 120 tháng với lãi suất thả nổi; Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Quảng Trị (có 2 HĐ vay, tổng hạn mức gần 20 tỷ đồng).
Ngoài ra, Thương mại Quảng Trị còn vay hàng loạt cá nhân trong đó có Chủ tịch HĐQT và dàn lãnh đạo của công ty theo các hợp đồng huy động vốn, góp vốn tín chấp, thế chấp để bổ sung vốn kinh doanh. Tại 31/12/2023, cá nhân cho Công ty vay nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Tiến Lợi (Thành viên HĐQT SEPON Group) với hơn 34,6 tỷ đồng. Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT SEPON Group cũng đang cho công ty này vay hơn 32,8 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 mới đây, Thương mại Quảng Trị đặt mục tiêu đưa doanh thu lên 1.550 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận lại khá khiêm tốn, khoảng trên 5 tỷ đồng.
Trong diễn biến khác, ngày 16/4/2024, ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT SEP đã ký quyết định thành lập Nhà máy sấy lúa Sepon, đặt tại Cụm công nghiệp Diên Sanh (huyện Hải Lăng).
Nhà máy hoạt động dưới hình thức là đơn vị hạch toán phụ thuộc, chịu sự quản lý trực tiếp của Tổng công ty và có con dấu, được mở tài khoản tiền gửi tại các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Quảng Trị. Đây được xem là bước tiến mới của Công ty trong lĩnh vực lương thực, đặc biệt là lúa gạo.
Tác giả: Cao Thái
Nguồn tin: kinhtechungkhoan.vn