Giúp học sinh cá biệt vào... giảng đường ĐH
Trong số các giáo viên được trao giải thưởng “nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2017 do Sở GD&ĐT vừa tổ chức, cô giáo Nguyễn Thị Chín mang đến luồng gió mới cho học sinh trong việc tiếp cận “môn phụ” Giáo dục công dân (GDCD).
Ra trường năm 1989, cô được phân công giảng dạy bộ môn GDCD - môn học luôn bị coi là khô khan, là môn phụ. Chính vì lẽ đó,, cô luôn trăn trở làm thế nào để thay đổi những định kiến trên?
Trong suốt 28 năm qua, theo đánh giá của nhiều đồng nghiệp, cô không ngừng học hỏi thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, tự tìm hiểu, nghiên cứu để có được những hiểu biết, kiến thức phong phú, phù hợp, phục vụ quá trình giảng dạy của mình.
Thông thường, giáo viên giảng các bài học GDCD trong SGK một cách khô khan. Tuy nhiên, với cô Chín, để truyền tải được bộ môn này đến với học trò, trước hết, cô tin tưởng giao cho các em chuẩn bị những nội dung trong bài học bằng các hình thức phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi như: nhập vai nhân vật, giải quyết tình huống mang tính thực tế, thuyết trình theo chủ đề, kể chuyện…
Chính nhờ đó mà học sinh yêu thích hơn môn học, tự ý thức về hành vi của mình, nhận thức rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người học. Cô đã sử dụng những phương pháp giảng dạy mới, mạnh dạn vận dụng giáo án tích hợp, lồng ghép tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng,… để bài giảng đạt hiệu quả cao.
Với những em có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn, cô luôn gần gũi, động viên, chia sẻ như người bạn, người chị, người mẹ. Đấy là câu chuyện cô nhiều lần đến tận nhà học sinh để hiểu hơn hoàn cảnh gia đình, động viên những em thường xuyên bỏ học quay trở lại trường học như trường hợp của em Phùng Hải Anh ở Khương Đình, Thanh Xuân.
Cô Nguyễn Thị Chín (ảnh: Tienphong) |
“Với học sinh cá biệt, tôi không chỉ gặp gỡ, phân tích điều đúng, sai trong từng hành động của các em mà còn động viên, khen thưởng mỗi khi các em có cố gắng dù là nhỏ nhất”, cô Chín cho biết.
Ngoài ra, có những vi phạm nội quy của học sinh mà cha mẹ các em đã phải dùng hình phạt để giải quyết thì cô chọn biện pháp chia sẻ trong nhóm, để các em tự nhận thức về hậu quả gây ra, để tự rút ra bài học, tự đề ra cho mình hình thức xử lý phù hợp nhất.
Thí dụ như câu chuyện của học sinh Nguyễn Thị Nhàn, từ học sinh cá biệt trong năm lớp 10, được nhà trường và gia đình kết hợp giáo dục đến lớp 12 trở thành học sinh Giỏi toàn diện, đỗ Đại học khối C 22 điểm, vào trường ĐHSP Hà Nội 2.
Giải Nhì thành phố về CNTT dù... ít tiếp cận máy tính
Từ những việc làm thiết thực trên đã giúp cô giáo Nguyễn Thị Chín đúc rút thành những đề tài SKKN. Những kinh nghiệm đó được phổ biến sâu rộng trong toàn trường được bạn bè và đồng nghiệp đánh giá cao, được phụ huynh tin yêu, học trò mến phục, được Sở GD&ĐT Hà Nội công nhận.
Không chỉ say mê, tâm huyết trong giảng dạy, giáo dục đạo đức học sinh cô còn không ngừng nghiên cứu, học hỏi trong các lĩnh vực chuyên môn. Là giáo viên cao tuổi trong tổ bộ môn nhưng với ý thức, trách nhiệm của mình cô luôn tự giác đi đầu trong mọi hoạt động để nâng cao trình độ của bản thân đồng thời thúc đẩy phong trào của tổ, của trường.
Năm học 2014 - 2015, từ một người không thông thạo về máy tính nhưng được sự giúp đỡ của con trai, bản thân tự tìm tòi, nghiên cứu một lĩnh vực mới là soạn Bài giảng E-LEARNING và kết quả thật bất ngờ, hạnh phúc, cô đạt giải Nhì thành phố tại Ngày hội CNTT ngành GD&ĐT Thủ đô lần thứ 3 năm 2015.
Cô xác định gắn cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người. Cô tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi trong các lĩnh vực chuyên môn. Bằng ý thức trách nhiệm của một giáo viên yêu nghề, với sự say mê của một người luôn tự ý thức làm mới mỗi giờ dạy.
Tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân Thành phố Hà Nội cô đã đạt giải Nhất cấp Thành phố năm học 2016-2017. Tình yêu nghề, lòng say mê nghiên cứu luôn thôi thúc cô trên hành trình ươm những mầm non cho cuộc đời, côluôn khao khát đem đến cho học sinh của mình tình yêu khoa học, sự say mê trong công việc. Vì lẽ đó, năm học 2017 - 2018 cô đang hướng dẫn hai học sinh Trần Hồng Quân và Đỗ Đắc Uyên làm đề tài khoa học: “Sự vô cảm của giới trẻ học đường, thực trạng và giải pháp”. Cô hy vọng rằng, đề tài này sẽ góp phần làm thay đổi những nhận thức lệch lạc của học sinh, giúp các em tự hoàn thiện nhân cách của mình ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí