Giải trí

NSƯT Quế Trân gieo thổn thức trong "Thầy ba Đợi"

NSƯT Quế Trân chiếm trọn tình cảm của khán giả qua vai diễn Ái Hoa - người phụ nữ đã cưu mang, giúp đỡ vị nhạc sư đầu tiên của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

Tối 28-4, vở cải lương "Thầy Ba Đợi" đã công diễn suất đầu tiên tại TP HCM. Đây là vở diễn chào mừng kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương Việt Nam.

NSƯT Quế Trân và NSND Vương Hà

Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của hơn 60 nghệ sĩ tài danh đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP HCM đã đến dự khán buổi công diễn vở cải lương "Thầy Ba Đợi".

NSƯT Hùng Minh và NS Quang Khải

NSƯT Quế Trân chiếm trọn cảm tình của khán giả qua vai diễn Ái Hoa - người phụ nữ đã cưu mang, giúp đỡ vị nhạc sư đầu tiên của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

"Dù là vai diễn hư cấu, mang lại cho nhân vật thầy Ba Đợi một cuộc tình thi vị nhưng sức hấp dẫn từ tác phẩm này chính là kịch bản văn học của PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ, đã được soạn giả Hoàng Song Việt, Phạm Văn Đằng chuyển thể. Tôi thật sự thích thú vai diễn của mình, tâm trạng của Ái Hoa cũng chính là tâm trạng chung của người dân đất Việt, ủng hộ những người theo phong trào Duy Tân thuở ấy, chống thực dân Pháp, bảo vệ cội nguồn văn hóa của dân tộc" - NSƯT Quế Trân tâm sự.

Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" đã chiếm cảm tình khán giả chính vì những thủ pháp từ kịch bản, dàn dựng cho đến tài năng ca diễn của các nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc.

NS Võ Minh Lam làm khán giả thích thú khi diễn vai công tử Hiến

Vở diễn kể lại giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc thời vua Hàm Nghi bị lưu đày. Câu chuyện khắc họa tinh tế chân dung thầy Ba Đợi, tên thường gọi của nhạc quan - nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công lớn đối với quá trình hình thành 20 bài bản Tổ, để sau đó các học trò của ông phát triển thành nghệ thuật cải lương.

Thầy Ba Đợi đã kết hợp Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế với hát bội, đờn ca tài tử để tạo thành nghệ thuật cải lương lưu truyền đến bây giờ. Xem vở diễn, khán giả khái quát được quá trình hình thành hướng đi chủ đạo của ông Ba Đợi, đó là làm điều gì để bảo vệ tiếng lòng của dân tộc, không để những thứ ngoại lai xóa mất gốc rễ, cội nguồn văn hóa dân tộc.

NSƯT Thanh Tuấn tạo dấu ấn đậm nét cho vai Thầy Ba Đợi

Hai đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo đã dàn dựng thật trữ tình những lớp diễn đặc tả nỗi niềm của nhân vật chính và mối tình tuyệt vời với nàng Ái Hoa – tiểu thư nhà quyền quý nhưng chứa đựng trong tim niềm tự hào ái quốc sâu đậm.

"Tác phẩm đã đem đến cho công chúng một cái nhìn vừa toàn cảnh vừa cụ thể về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Vở diễn cũng giúp người xem hiểu rõ hơn về cội nguồn cũng như phô diễn được những vẻ đẹp, những giá trị của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam" – NSƯT Hùng Minh (HCV giải Thanh Tâm 1959) tâm sự. Chính ông cũng vui mừng vì có được một vai diễn trong tác phẩm này.

Tối 1-5, suất diễn "Thầy Ba Đợi" sẽ mở màn tại Nhà hát Bến Thành, được VTV 9 truyền hình trực tiếp.

Khán giả chúc mừng thành công của vở Thầy ba Đợi

Tác giả: Thanh Hiệp

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP