Giải trí

NSƯT Trần Lực: “Lúc nào tôi cũng có cảm giác Lê Khanh sắp bùng nổ”

“Lê Khanh là diễn viên mà tôi rất nể và phục. Bằng tuổi nhau nhưng bạn ấy rất chịu khó học. Bạn ấy đi Nhật, Hồng Kông… học hàng năm nên bạn ấy vào phong cách của chúng tôi rất nhanh… Lúc nào tôi cũng có cảm giác Lê Khanh sắp bùng nổ”, NSƯT Trần Lực nói.

Tối qua (28/12), ê-kíp LucTeam đã ra mắt vở “Quẫn”. “Quẫn” là vở diễn do NSƯT Trần Lực dựng theo phương pháp ước lệ từ kịch bản của cố tác giả Lộng Chương viết cách nay hơn nửa thế kỷ. Vở diễn đã xuất sắc giành giải Bạc trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016, đồng thời mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất, cùng 3 giải (1 vàng, 2 bạc) cho diễn viên.

“Quẫn” kể câu chuyện bi hài kịch về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...

Vở "Quẫn" đã gây tiếng vang lớn trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô tháng 10/2016.

Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của tác giả Lộng Chương sẽ đem vở “Quẫn” lên công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 7/1 tới đây. Điều đặc biệt, vở diễn sẽ có sự góp mặt của NSND Lê Khanh thay vì toàn diễn viên trẻ thuộc thế hệ 9x như trước.

Chia sẻ về việc diễn lại “Quẫn” sau một năm ra đời, NSƯT Trần Lực cho biết: “Sau một năm diễn lại, vở diễn có khác nhưng tinh thần chung vẫn như vậy. Cái khác lớn nhất là trước đây các bạn diễn viên còn là sinh viên nên có bao nhiêu nhiệt các bạn ấy đốt cháy hết. Chính sự hừng hực và khí thế ấy mà ban giám khảo lẫn khán giả bị hút vào các bạn ấy.

Bây giờ các bạn diễn viên đã trưởng thành một cách nhanh chóng. Vì sau vở “Quẫn” chúng tôi hoàn thiện để các bạn ấy trở thành những diễn viên chuyên nghiệp. Chúng tôi đã mất 3 tháng trời để các bạn ấy học diễn. Và sau đó các bạn ấy phải tập những bài tập để giải phóng cơ sinh học. Cho nên, bây giờ các bạn diễn viên diễn khác hẳn. Mọi người đã từng xem “Quẫn” trước đây thì bây giờ xem lại sẽ ngạc nhiên.

Trước chúng tôi từng diễn vở này ở các sân khấu lớn thì bây giờ chúng tôi vẫn diễn ở các sân khấu lớn. Và chúng tôi vẫn diễn cả ở những sân khấu nhỏ. Cái hay của sân khấu biểu hiện và ước lệ là diễn sân khấu lớn cũng được, nhỏ cũng hay và thậm chí có thể diễn ngoài quảng trường”.

Chia sẻ về lý do mời NSND Lê Khanh tham gia vở diễn, NSƯT Trần Lực bày tỏ, trong vở “Quẫn”, gia đình bà Đại Cát là một gia đình Hà Nội vì thế qua ngôn ngữ ước lệ mà khán giả vẫn cảm nhận được là người Hà Nội của ngày xưa đòi hỏi người diễn phải có kiến thức và trải nghiệm nên anh mời NSND Lê Khanh.

“Không phải gần đây tôi mới mời Lê Khanh đâu mà cách đây một năm tôi đã mời rồi nhưng nàng chối đây đẩy. Chả có lí do gì cũng chối. Lê Khanh là diễn viên mà tôi rất nể và phục. Bằng tuổi nhau nhưng bạn ấy rất chịu khó học. Bạn ấy đi Nhật, Hồng Kông… học hàng năm nên bạn ấy vào phong cách của chúng tôi rất nhanh. Với tôi, Lê Khanh vào sân khấu này là cực kỳ hợp. Bạn ấy luôn luôn sáng tạo, làm mới mình. Đấy là điều mà chúng tôi rất kinh nể. Lúc nào tôi cũng có cảm giác Lê Khanh sắp bùng nổ”, NSƯT Trần Lực nói.

NSND Lê Khanh chia sẻ: “Từng có một bạn phóng viên hỏi tôi rằng: “Chúng em rất tò mò không biết chị Lê Khanh “cưa sừng làm nghé” cùng với các bạn sinh viên diễn “Quẫn” như thế nào?”. Tôi từng bảo với Trần Lực bạn tôi rằng: “Tôi không tham gia vở diễn đâu. Tôi sợ lắm. Ngần này tuổi rồi còn đi vào đóng đôi với sinh viên có mà điên à. Nếu “bắt” tôi đóng tôi thích vai bà Đại Lợi. Nhưng nói thế nào Trần Lực cũng không đồng ý.

Trần Lực thuyết phục tôi rằng: “Ơ, Khanh buồn cười nhỉ. Đây là sân khấu ước lệ, biểu hiện… nó không còn là sân khấu tả thực nữa mà phải người như thế nào thì đóng như thế ấy, phải theo tuổi tác, logic của đời sống”.

Nghe Trần Lực thuyết phục tôi cũng hơi xuôi xuôi. Rồi một ngày tôi nghĩ, sân khấu miền Nam có chị Ngọc Giàu là diễn viên cải lương cũng đã lớn tuổi vẫn đóng vai người yêu của Trấn Thành và nhiều nghệ sĩ phía Nam vẫn biểu diễn như thế. Họ quan niệm sân khấu là sân khấu. Nó là trò chơi nghệ thuật và ở đó họ có quyền “tôi là…”. Nghĩ thế nên nỗi sợ “chơi ngông” của mình đã lý giải được.

Và thời gian sau này làm cho tôi yên tâm hơn và đến một ngày tôi nhận lời. Đó chính là thời gian tôi ra nước ngoài, tôi thấy tuổi nghề của các nghệ sĩ được tận dụng nhiều lắm. Tôi đã từng nói với một số lãnh đạo rằng, ở nước mình người tài cũng in ít nhưng đã thế lại hay phung phí. Cứ mặc định là đến một ngưỡng nào đó thì không dùng nữa.

Đạo diễn Trần Lực chia sẻ trong buổi họp báo công diễn vở "Quẫn".


Tóm lại là có rất nhiều lý do để cuối cùng chấp nhận mình liều khi tham gia sân chơi này. Nếu ai theo dõi sự nghiệp nghệ thuật của tôi mấy năm qua thì cũng không có gì ngạc nhiên lắm đâu. Tôi táo bạo khủng khiếp.

Và lý do chính khiến tôi tham gia vở diễn đó là sự hình thành của sân khấu biểu hiện – ước lệ này mê hoặc tôi. Chính là ước mơ của tôi từ nhiều năm nay mà tôi chưa thực hiện được. Nếu ở thời điểm này mà chúng ta không chịu thay đổi tư duy về sân khấu thì “chết”. Mà thực ra là sân khấu đã “chết” rồi. Cái câu “sân khấu chết lâm sàng” là của tôi đấy. Cứ rút “ống xông” ra là “chết” hết.

Tôi nhớ là có rất nhiều cuộc cải cách, cải cách để sống nhưng không hiểu sao mỗi lần cải cách đều hỏng. Hỏng ở đây là sự khiên cưỡng, sự lắp ghép, . Chẳng hạn sân khấu mới là sân khấu kịch nói lại lấy một vài “miếng” của tuồng - chèo cho vào. Tuồng – chèo thì lại mang điện ảnh vào. Đây là một cách lắp ghép khiên cưỡng, không hài hoà, không thuyết phục, không đan xen… Vì thế mà mỗi lần cải cách là mỗi lần bế tắc.

Trước đây, khi LucTeam diễn “Quẫn” ở Nhà hát Tuổi trẻ trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô, ngồi trên gác hai xem hết vở mà tôi đã sốc. Một người làm nghề mấy chục năm mà tôi đã sốc một cách tự nhiên, sốc một cách sung sướng. Tôi cảm thấy sự tin tưởng của mình vào ngày mai cuối cùng đã xuất hiện. Sự xuất hiện đó là một phương pháp, một thể loại mới lạ và có những người cùng chơi.

Thực sự là tôi rất nể ê-kíp LucTeam vì để có được vở diễn hôm nay các bạn ấy đã từng phải tập luyện ròng rã trong 6 tháng. Nhà hát tôi không bao giờ dám tập 6 tháng đâu vì như thế lỗ vốn. Vậy mà các bạn ấy chấp nhận lỗ vốn, hy sinh vì cái mới… điều đó khiến tôi trân trọng. Nhưng điều cuối cùng là “Ừ thì chúng ta có thể trân trọng, ta có thể yêu mến nhưng phải có cái gì đó để chứng minh chứ. Yêu mấy mà khi đến xem chúng ta chẳng có cái để xem thì cũng khó nói với khán giả”.

Cuối cùng tôi chấp nhận tham gia cuộc chơi này vì ở đó xứng đáng được trải nghiệm. Bây giờ năm nào tôi cũng đi học. Đi để cảm nhận và trải nghiệm được các thể loại sân khấu mới. Cuộc chơi này các bạn cũng rất tin tôi một cách chân thành tự đáy lòng. Tôi xem việc mình tham gia sân chơi này cũng là một cách đi học".

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP