Du khách đến thăm ngôi làng hơn 600 năm tuổi |
Nốt lặng đáng yêu giữa Seoul
Hàn Quốc là một trong những “con rồng châu Á” về tốc độ công nghiệp hóa, về thu nhập bình quân đầu người và nhiều tiêu chí khác. Seoul, thủ đô Hàn Quốc là một thành phố cực kỳ phát triển, hiện đại và không kém phần khắc nghiệt. Seoul không có chỗ cho sự lười biếng. Để sinh tồn ở Seoul, người ta phải rất nỗ lực, thậm chí nỗ lực không ngừng nghỉ.
Người Seoul vẫn thường có câu đùa rằng “sống ở Seoul không được thiếu tiền và cũng nhất định phải đẹp”. Giàu có và xinh đẹp, đó là hai tiêu chí hàng đầu của các cư dân hiện đại Hàn Quốc nói chung và Seoul nói riêng. Phải có tiền, phải có thu nhập cao thì cư dân mới có thể chi trả những khoản chi phí khổng lồ ở thành phố này, những khoản tiền thực phẩm, nhà ở cao gấp đôi, gấp ba lần một số thành phố lân cận, chưa tính đến tiền làm đẹp, mỹ phẩm hay phẫu thuật thẩm mỹ…
Cuộc sống ở Seoul là một guồng quay vội vã. Những con người ăn mặc xinh đẹp sải bước thật nhanh, thật vội trên đường phố. Những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại lộng lẫy, những phương tiện giao thông hiện đại.
Nhưng Seoul với dân số hơn 10 triệu người không chỉ có ồn ã choáng ngợp. Thành phố này vẫn mang trong mình những nốt lặng rất đáng yêu. Làng cổ Bukchon Hanok là một nốt lặng như thế.
Bukchon Hanok là một cái tên ghép, chứa đựng đặc điểm và sự hình thành của ngôi làng. Làng nằm giữa một quần thể di tích nổi tiếng Hàn Quốc: Cung điện Gyeongbok, cung điện Changdeok và miếu thờ Thần đạo Jongmyo. Vị trí làng thuộc trung tâm thủ đô Seoul, về phía Bắc. Cái tên Bukchon, trong tiếng Hàn có nghĩa là “phía Bắc”.
Còn Hanok là cách gọi xưa của người Hàn Quốc để chỉ những ngôi nhà gỗ lợp ngói truyền thống. Hanok mang trong mình sự pha tạp về văn hóa: Đây là một kiểu nhà có kiến trúc truyền thống của người Triều Tiên và người Hàn Quốc, ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Bukchon có hơn 900 ngôi nhà Hanok, tọa lạc trên diện tích gần 113ha, là nơi mà hầu như du khách nào đến Seoul cũng muốn ghé thăm. Bước chân vào Bukchon là bước chân vào một thế giới khác hẳn phần còn lại của Seoul, khi trái tim du khách sẽ va vào vẻ đẹp ngỡ ngàng của những con đường dốc, những mái nhà cong dưới rặng cây ngân hạnh. Và một chút lạc lối vào dòng chảy của lịch sử.
|
Nơi thời gian đọng lại
Bukchon Hanok có lịch sử gần 600 năm. Ngôi làng này còn được gọi đùa là “làng quan chức cổ xưa”. Bởi lẽ, những người xây dựng nên Bukchon là giới quan lại triều đình, hoàng thất, các gia tộc hùng mạnh và thương nhân giàu có dưới thời Joseon, một triều đại lịch sử cực kì nổi tiếng, là cảm hứng cho các tác phẩm văn học, điện ảnh xứ sở Kim Chi.
Có lẽ không phải vô tình mà những tầng lớp “tinh hoa Joseon” khi ấy đã chọn khu vực này để xây làng. Nằm sát các cung điện, các hoàng thất và quan chức có thể dễ dàng di chuyển, trở về nhà sau những buổi chầu, cũng như ngôi làng dễ dàng có được sự đảm bảo về mặt an ninh bởi những đội quân hoàng gia.
Không chỉ thế, Bukchon Hanok tọa lạc trên một vùng đất rất cao ráo. Từ đỉnh cao nhất của ngôi làng có thể phóng tầm mắt bao quát ra những khu vực chung quanh, cũng như thế đất cao khiến làng luôn có không khí mát mẻ ngay cả ở những mùa nóng bức. Vị trí phong thủy, thuận lợi và an toàn có lẽ là ba tiêu chí đã khiến tầng lớp thượng tầng Joseon lựa chọn để xây nên Bukchon Hanok.
Và vì bởi đây là ngôi làng đại gia, làng quan chức, thế nên, Bukchon có một kiến trúc quyền quý không giống bất cứ ngôi làng nào khác của Hàn Quốc. Những ngôi nhà làm bằng gỗ, có mái ngói xám cong và hàng rào bằng đá trắng cổ điển và sang trọng, bất chấp hơn nửa thiên niên kỷ đã trôi qua.
Mỗi khu nhà có nhiều gian phòng với tiện ích riêng: Các phòng sách, thưởng trà, phòng ngủ, bếp và khu vực ủ tương, muối kim chi… vẫn còn hầu như nguyên trạng đến ngày nay. Phần lớn các ngôi nhà phân làm hai khu vực nam và nữ, một hành lang mang đặc sệt kiến trúc Nhật nối giữa hai khu vực này. Ngày nay, Bukchon có thể nói là nơi duy nhất ở Hàn Quốc mà người ta có thể tìm thấy nhà cổ kiến trúc Hanok.
Cấu trúc của Bukchon cũng khá lạ, bởi khi đi vào làng, người ta có cảm giác như đi vào mê cung, với con đường lát đá xanh, con hẻm nhỏ xuyên qua những ngôi nhà có kiến trúc giống hệt nhau. Ngay cả lối vào ở nhiều căn nhà, chủ nhân ngôi nhà cũng tự tạo thành hẻm nhỏ với tường và cây, như một sự đánh đố với khách lạ.
Càng đi vào làng, càng cảm giác như lên đôi cao, choáng ngợp bởi những bức tường đá trắng xây đắp hết sức tỉ mỉ, những mái ngói xám cong tuyệt mỹ, những cảnh cổng gỗ nâu sáng, những hàng ngân hạnh, hàng tùng rợp bóng.
Nếu đủ thời gian, sức khỏe và sự kiên nhẫn để đi hết làng trong khoảng ba tiếng đồng hồ, chạm đến nơi cao nhất của Bukchon, phần thưởng cho du khách rất có thể là một mặt trời hoàng hôn soi chiếu cả ngôi làng trong vẻ đẹp cổ xưa đầy lộng lẫy.
Ngôi làng nằm trên cao, đường làng lát đá xanh |
Sự dung hòa quá khứ, hiện tại, tương lai
Với 600 năm tuổi đời, lẽ dĩ nhiên Bukchon đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Và bản thân ngôi làng này suýt nữa đã không giữ được hồn cốt bản sắc. Năm 1930, Bukchon được tôn tạo, trùng tu lại lần đầu. Đến những năm 1960, khu vực này đã được đề xuất cải tạo lại lần nữa, với việc phá bỏ và di dời một số nhà Hanok.
Dự án này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cư dân ngôi làng. Chính tinh thần quyết liệt giữ làng đã làm Chính phủ Hàn Quốc phải thay đổi kế hoạch và thế là Bukchon Hanok vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Bukchon không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp của kiến trúc, chiều sâu lịch sử. Cách làm du lịch của Bukchon rất thuyết phục. Nó khiến cho ngôi làng vừa có thể bảo tồn được giá trị truyền thống, vừa không bị hòa tan trong cơn lốc của công nghiệp du lịch, mặc dù con số khách phương xa đến làng ngày càng tăng hàng năm.
Đến làng, du khách có thể hoàn toàn hòa mình, trở thành một phần của lịch sử nhờ những dịch vụ cho thuê Hanbok - trang phục truyền thống Hàn Quốc để đi dạo thăm làng, chụp ảnh. Khoảng 1/3 trong số 900 ngôi nhà cổ đã được cải tạo để phục vụ du lịch, trở thành trung tâm văn hóa, gallery nghệ thuật, nhà nghỉ, nhà hàng, quán trà và cafe, nhưng không hề phá vỡ kiến trúc truyền thống của nhà.
Du khách đến đây còn có thể học làm đồ thủ công ngay tại các cửa tiệm hay trung tâm văn hóa và bảo tàng như vẽ tranh dân gian, làm vòng bằng cách buộc dây, vẽ trên khăn tay, thêu túi, nhuộm vải hay tham gia các hoạt động truyền thống khác.
Với 2/3 ngôi nhà còn lại, cư dân vẫn có nếp sống bình thường. Họ chính là hậu duệ của những nhân vật lịch sử khi xưa, những người đã giữ làng qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Đối mặt với guồng quay của nhịp sống hiện đại, họ có được khoảng lặng bình yên sau những ngày làm việc, khi trở về ngôi làng của mình.
Cũng như sự kiên quyết giữ làng trước các kế hoạch di dời, phá bỏ khi xưa, ngày này, các cư dân của làng trở thành những “người nhắc nhở”. Cuối tuần, họ đi quanh làng với tấm biển “keep silent” trên tay, một cách biểu đạt thái độ đầy ôn hòa, mong du khách tránh mang sự ồn ào, náo nhiệt bên ngoài vào, hãy tham quan, thưởng lãm trong sự bình lặng của âm thanh và của tâm hồn.
Ở Bukchon Hanok, lịch sử không chỉ nằm ở quá khứ. Không chỉ nằm trong những câu chuyện kể, những kỷ vật trưng bày về các triều đại đã qua. Lịch sử nằm ngay trong hiện tại, trong những nếp nhà cổ xưa, trên con đường ngoằn ngoèo lát đá xanh và những hàng cây ngân hạnh, hàng tùng biếc vẫn rì rào kể cho du khách nghe những câu chuyện lịch sử mỗi ngày.
Bukchon Hanok không chỉ là một di tích lịch sử để trưng bày. Đó là một bảo tàng lịch sử sống, nơi mà người dân trong làng, thế hệ của tầng lớp thượng lưu Hàn Quốc cổ xưa vẫn tiếp tục gìn giữ vẻ đẹp của ngôi làng mà cha ông họ chăm chút tạo dựng, bằng sự yêu mến nếp nhà, yêu mến ngôi làng và bằng nếp sống trong lành của mình. Lịch sử vẫn đang được các thế hệ sau viết tiếp.
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam