"Sáng sớm ngày 3/8/2014, chúng tràn vào làng", cô nhớ lại. "Gần 6.500 phụ nữ và trẻ em Yazidi bị bắt cóc. Khoảng 5.000 người bị giết chết hôm đó. Suốt 8 tháng, chúng chia tách chúng tôi khỏi mẹ, khỏi anh chị em; một số người bị giết còn một số thì biến mất".
Mẹ và 6 anh em trai của Murad bị hành hình tới chết. Murad cùng với những phụ nữ chưa lập gia đình bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục, trao tay hết lượt thành viên này đến thành viên khác của IS.
Cuộc tấn công cộng đồng Yazidi vẫn tiếp diễn tới nay, theo Amal Clooney, luật sư chuyên về nhân quyền quốc tế đại diện cho Murad. Hơn 6.000 người Yazidi vẫn bị giam giữ, trong đó có cả người nhà của Murad.
"Mở chiến dịch quân sự tiêu diệt IS thôi chưa đủ. Điều chúng tôi muốn là IS bị đưa ra tòa án xét xử", bà Clooney cho biết. "Tới nay vẫn chưa có phiên tòa nào trên thế giới mở ra để khởi tố IS về tội ác đã thực hiện với người Yazidi".
Tuần trước, bà đã đề nghị Iraq gửi thư tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở cuộc điều tra thu thập bằng chứng và mở phiên tòa xét xử IS để "vạch trần chiến dịch tuyên truyền của chúng".
Murad đang sống ở Đức. Cô hy vọng IS cuối cùng sẽ bị đưa ra công lý.
"Đã đến lúc đưa IS ra công lý vì phạm vào tội ác tày trời chống lại một thế hệ loài người", Murad nói.
Nadia Murad, 23 tuổi, là nạn nhân tội ác đầu tiên được chọn làm đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2016. Tháng 12 năm ngoái, cô có bài phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an về nạn buôn người, cầu xin "hãy xóa sổ IS". Liên Hợp Quốc cho hay hành động tàn sát, bắt cóc và hãm hiếp người Yazidi của IS có thể bị khép vào tội diệt chủng.
Tác giả bài viết: Hồng Hạnh
Nguồn tin: