Tẩy trắng lòng heo bằng oxy già
Ngày 6/1, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho biết, Đội Quản lý ATTP số 4 vừa phát hiện và ngăn chặn 2 vụ vi phạm thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn.
Tại cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật của ông Nguyễn Văn Quảng (4B đường Trung Mỹ Tây 13, P.Trung Mỹ Tây, Q.12), đoàn kiểm tra phát hiện gần 2,3 tấn lòng heo không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, khu vực sơ chế có 4 bình nhựa nhãn hiệu INTEROX ST 50 có thành phần là H2O2 (oxy già) đã qua sử dụng. Ông Quảng khai đã dùng oxy già để tẩy rửa lòng dơ và bị đen để làm trắng lòng, sau đó bán làm thực phẩm.
Đáng chú ý, dù hoạt động trong lĩnh vực sơ chế thực phẩm nhưng cơ sở của ông Quảng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân viên không được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Điều kiện hoạt động của cơ sở rất nhếch nhác, dụng cụ chứa đựng bám bẩn, có ruồi tại khu vực sơ chế.
|
Theo Ban ATTP TP, oxy già không thuộc danh mục phụ gia hỗ trợ cho phép được phép sử dụng. Tuy nhiên, để tẩy trắng các loại phụ phẩm sản phẩm động vật, nhiều cơ sở vẫn sử dụng để sản phẩm có màu bắt mắt hơn.
Toàn bộ tang vật trên đã bị tiêu hủy theo đơn tự nguyện tiêu hủy của chủ hàng. Đoàn kiểm tra yêu cầu Quảng dừng ngay việc sơ chế, buôn bán lòng heo trái phép cho đến khi hoàn tất thủ tục pháp lý, giao cho chính quyền địa phương giám sát cơ sở này, không cho hoạt động trở lại.
|
Tại cơ sở sản xuất giò chả Ngọc Châu (50/5A ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) do ông Lê Đình Sơn đại diện, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở có giấy phép kinh doanh, giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Lúc này, cơ sở đang có 2 tấn giò chả chứa trong kho. Tuy nhiên, cơ sở không chứng minh được nguồn gốc các nguyên liệu như tai heo, da heo mà nơi này dùng để chế biến.
Tẩy trắng lòng heo bằng hàn the
Theo Zing.vn chia sẻ, thực tế cho thấy, việc sử dụng hàn the cho vào thực phẩm là chuyện không hề hiếm. Việc các chủ cửa hàng dùng các loại hoá chất nhằm “hô biến” từ những thùng lòng thối thành những món lòng trắng nõn còn nguy hiểm hơn nhiều.
Điều đó hoàn toàn có thể chứng minh qua việc, các cơ quan chức năng trong thời gian gần đây đã bắt và thu giữ hàng chục tấn nội tạng lợn thối đang trong thời gian phân huỷ đem đến nơi tiêu thụ. Vụ việc gần đây nhất bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng đó là ngày 4/11, Tổ công tác của Đội CSGT số 14 - Phòng CSGT - công an Hà Nội đã bắt và thu giữ gần 1 tấn nội tạng lợn đang trong thời gian phân huỷ nhằm đem về nơi chế biến.
Đặt giả thiết, nếu những chuyến nội tạng này trót lọt thì họ sẽ “hô biến” như thế nào? Bằng chất gì? Và sẽ phân phát đi đâu? Còn việc đưa đến miệng chính người tiêu dùng chỉ là công đoạn cuối.
|
Để tìm hiểu rõ chất “thần kỳ” có thể biến nội tạng thối thành đồ nhậu trắng giòn, phóng viên có mặt tại chợ Đồng Xuân nơi được coi là “thiên đường” của các chất phụ gia ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi hỏi về loại chất tẩy trắng lòng, nội tạng thì các chủ cửa hàng đều lắc đầu và trả lời: “không có chất nào tẩy trắng lòng hay nội tạng cả”. Chỉ khi đến một cửa hàng có tên V.Đ thì được người bán hàng cho biết, chất giúp tẩy trắng các thực phẩm, trong đó có các loại nội tạng chính là loại hoá chất có tên “tẩy đường”.
Theo như lời giới thiệu của người bán hàng, loại chất này có công dụng rất “thần kỳ”, chúng không chỉ tẩy trắng và giúp làm lòng dai hơn, mà các loại thực phẩm khác như ngó sen, hoa chuối, măng chua… đều có thể dùng để tẩy trắng được.
Đặc biệt hơn, giá loại chất này không hề đắt chỉ khoảng 40.000 đến 45.000 đồng/kg, vì thế các chủ cửa hàng chỉ bán buôn chứ không bán lẻ. Khi hỏi mua 2kg thì một chủ cửa hàng nói ngay: “Chắc bọn em bán cơm bụi hả, mấy ông anh bên Long Biên sang đây toàn lấy mấy chục cân một cho một lô hàng thôi. Mua ít thế không bõ bán đâu”.
Lòng lợn tẩy trắng bằng hóa chất pha nước thải
Ngày 6/7/2017, cơ quan chức năng huyện An Dương cho biết, huyện đã chỉ đạo xã Đại Bản tiến hành tiêu hủy gần một tấn lòng lợn đã sấy khô và đang tẩy trắng bị Đoàn liên ngành phát hiện ngày 3/7.
Trước đó, qua công tác nắm địa bàn, công an huyện An Dương đã phát hiện cơ sở chế biến thực phẩm do bà Nguyễn Thị Thức (SN 1977, ở xã Tân Tiến, huyện An Dương) làm chủ và được xây dựng từ đầu tháng 5, tổ chức sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn ngay tại khu vực phía ngoài đê thôn Lê Xá (xã Đại Bản, An Dương).
Sau khi nắm bắt được qui luật hoạt động của cơ sở này, chiều ngày 3/7, lực lượng chức năng huyện, bất ngờ kiểm tra và phát hiện 300kg lòng lợn đang trong quá trình tẩy trắng và 500kg lòng lợn đã được sấy khô đang được các nhân viên đóng vào các túi nilon không có nhãn mác.
|
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, cả người quản lý cơ sở cùng 6 nhân công đang làm việc tại đây đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số lòng lợn trên.
Theo khai nhận của quản lý cơ sở, toàn bộ số lòng trên được thu gom, mua lại từ các lò giết mổ trên địa bàn thành phố rồi đem về cơ sở sơ chế, tẩy trắng bằng hóa chất. Nguồn nước sử dụng tẩy lòng được lấy từ ao chứa nước thải của cơ sở này bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sau đó được phơi khô bằng cách hun khói bếp than để khử mùi hôi, tạo màu rồi đóng gói mang ra thị trường tiêu thụ.
Lực lượng chức năng đã bàn giao toàn bộ số lòng “bẩn” trên cho Ban ATVSTTP xã Đại Bản tiêu hủy theo quy định.
Tác giả: Minh Anh
Nguồn tin: emdep.vn