Giáo dục

Những người để xảy ra câu chuyện 500 giáo viên mất việc: "Rất đáng lên án!"

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi sự việc xảy ra ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), Cục đã nắm bắt tình hình và yêu cầu Sở GD-ĐT báo cáo nhanh về sự việc.

Theo ông Trần Kim Tự, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã gửi báo cáo, trong đó vấn đề nổi bật là tình trạng tuyển dụng dôi dư rất nhiều.

Nhiều giáo viên được thông báo chấm dứt hợp đồng là vợ chồng đã giảng dạy nhiều năm, đang nuôi con nhỏ, cuộc sống vô vàn khó khăn


“Điều này khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều, nhất là về công tác quản lý" - ông Tự cho biết.

"Theo báo cáo, đối với bậc mầm non, địa phương này đang thiếu 212 giáo viên nhưng lại chỉ ký hợp đồng với 78 người. Phải chăng không có nguồn hay sao mà lại hợp đồng ít như vậy?

Trong khi đó, giáo viên tiểu học thiếu 69 người nhưng lại ký hợp đồng tới 279 người, như vậy thừa 210 người.

Hay ở bậc THCS, số giáo viên thiếu chỉ 16 nhưng huyện này lại ký hợp đồng với 221 giáo viên. Vậy nên có sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu và tuyển dụng”.

Theo ông Tự, sau khi nhận được báo cáo, Cục Nhà giáo cũng rất bất ngờ về cách quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.

“Bởivì trong các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT luôn nói làm sao phải đảm bảo cân đối giữa nhu cầu, vị trí việc làm với thực tế dạy học và đúng quy định. Ví dụ, Bộ đã đưa ra những tiêu chuẩn làm căn cứ để địa phương tuyển dụng như: lớp mầm non học 2 buổi/ngày thì cần 2,2 giáo viên/lớp, lớp mầm non học 1 buổi/ngày thì cần 1,2 giáo viên/lớp. Đối với tiểu học dạy 1 buổi/ngày bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp và dạy 2 buổi/ngày bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp…" - ông Tự giải thích.

Ông nhìn nhận "việc ký hợp đồng như thế này sẽ ảnh hưởng tần suất lên lớp của các thầy cô, ảnh hưởng đến câu chuyện sử dụng và đảm bảo định mức lao động theo quy định”.

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

Nói về cơ chế tuyển dụng, ông Tự cho biết Chính phủ đã có Nghị định 29 (quy định về việc tuyển dụng lao động cho các trường thuộc thẩm quyền của UBND huyện và quyền của người đứng đầu nhà trường) hướng dẫn rất chặt chẽ. Nhưng câu chuyện ở đây (Krông Pắk) lại là những hợp đồng lao động rất lỏng lẻo.

Lấy luôn ví dụ ở Krông Pắk, ông Tự cho rằng ở đây vẫn còn chỉ tiêu nhưng lãnh đạo địa phương lại không tổ chức tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay xét tuyển mà cứ theo hình thức ký hợp đồng. Đến khi thanh tra, kiểm tra xong thì lại bị đề nghị dừng để rồi cuối cùng xảy ra chuyện, tỉnh lại phải vào cuộc.

"Khi đọc báo cáo nhanh, tôi cũng thắc mắc tại sao nhu cầu thì ít, ký hợp đồng nhiều như vậy mà không ai nhìn ra vấn đề, ví dụ như cán bộ quản lý phòng giáo dục.

Qua tìm hiểu, Trưởng phòng GD-ĐT địa phương ở giai đoạn giáo viên được ký hợp đồng ồ ạt hiện đã nghỉ hưu cách đây 1 năm, còn người mới đang tham gia cùng với UBND huyện giải quyết sự việc. Ở đây, cũng phải nói, vai trò của Trưởng phòng GD-ĐT huyện rất mờ nhạt, khi thấy việc tuyển dụng giáo viên dư thừa nhưng không có ý kiến với UBND huyện, đồng thời cũng không báo cáo lên Sở GD-ĐT.

Ông Tự cũng cho hay sau khi nghe nhiều ý kiến giáo viên, ông thấu hiểu sự thất vọng rất lớn của các thầy cô.

“Phải nói rằng, những nhà quản lý đã tạo ra sự thất vọng này, tạo ra câu chuyện này rất đáng lên án” - ông Tự thẳng thắn nói.

"Và các cấp chính quyền, UBND huyện tỉnh, cũng như ngành giáo dục ở những địa phương khác cũng phải tìm ra giải pháp để khắc phục sớm tình trạng này, không để xảy ra chuyện tương tự. Không thể để giáo viên ôm hy vọng đến một ngày nào đó được biên chế chính thức dù nguyện vọng đó rất chính đáng. Công việc tuyển dụng phải trở nên minh bạch, trong sáng theo đúng những quy định pháp luật hiện nay”.

Về giải pháp, ông Tự cho hay việc thay đổi hẳn cơ chế - Bộ, ngành phải nắm lại việc này thay UBND các cấp để làm, đảo ngược xu thế phân cấp hiện nay - là việc "không thể và không khả thi".

“Điều quan trọng cần thay đổi, theo tôi, là cần làm - kiểm tra - giám sát theo đúng những quy định hiện hành. Chúng tôi cho rằng những quy định hiện hành đã khá đầy đủ, nhất là quy trình tuyển dụng. Và tôi nghĩ, tiếng nói của đại diện ngành giáo dục địa phương phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên cũng như đảm bảo được kế hoạch, chất lượng giáo dục”.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP