Theo sự phát triển kinh tế - xã hội, các làng biển xưa giờ đều mang diện mạo mới, trù phú, tươi mới hơn; tuy nhiên, tại thôn Phú Hạnh (xã An Ninh Đông, H. Tuy An, tỉnh Phú Yên), song song với sự phát triển, người dân nơi đây vẫn còn lưu lại khá nhiều công trình dân sinh làm từ đá, tạo nét chấm phá độc đáo cho một làng biển và níu chân những du khách đến đây.
Du khách tạo dáng với đá. |
Đá đồng cam cộng khổ
Ông Phạm Tấn Tài (77 tuổi), một lão làng về xếp đá ở Phú Hạnh, cho biết gia đình ông sống ở thôn Phú Hạnh đã nhiều đời, từ xa xưa, người trong làng đã biết xếp đá thành những công trình dân sinh phục vụ cuộc sống. Trải qua rất nhiều thời gian, đến nay dù đã có những vật liệu mới như bê-tông cốt thép thay thế nhưng đá vẫn còn được rất nhiều gia đình sử dụng vì thẩm mỹ và tiện ích mà nó mang lại.
Chỉ vào một gò cao ở thôn, ông Tài cho biết thêm, trước đây, nó là một gò đá với rất nhiều đá đủ cỡ lớn, nhỏ. Về sau do nhu cầu của người dân nên đá được khai thác để làm công trình. "Ngày ấy mọi khâu khai thác đá đều làm thủ công chứ không có máy móc gì hỗ trợ. Do địa hình ở đây không bằng phẳng, đất đai dễ bị xói mòn vào mùa mưa nên rất nhiều nhà phải làm bờ kè bằng đá để giữ đất. Trong thời buổi ấy, vật liệu xây dựng hiếm hoi nên những công trình dân sinh như nhà cửa, chuồng trại, hàng rào, giếng nước, kênh mương đều được làm bằng đá. Để phá được những tảng đá to, chúng tôi nấu nước sôi đổ lên cho đá giãn ra rồi lấy búa tạ đập cho vỡ. Bằng cách ấy, dân trong làng đã khai thác hết một gò đá".
Theo ông Lê Văn Trục, một thợ xếp đá của thôn Phú Hạnh, ngày trước, cả làng, già trẻ lớn bé ai cũng biết xếp đá. Công việc này nặng nhẹ theo từng công đoạn, đòi hỏi người thợ vừa có sức khỏe để đập đá, vừa cần có kỹ thuật xếp đá cho êm. Sau khi đập những viên đá có kích thước lớn, người ta bắt đầu giăng dây, lấy mực rồi xếp đá.
Thông thường, khi xếp, những viên đá lớn được xếp trước và phải chọn chỗ êm, không gập ghềnh để đặt viên đá. Sau khi xếp xong, người ta tiếp tục lèn vào các hòn đá nhỏ, nhỏ hơn, và cuối cùng là nhỏ nhất. Phía trong phần móng nếu đổ đá dăm thì công trình có khi tồn tại cả trăm năm. "Một bờ đá được xếp khéo đến con chuột nhắt chui cũng không lọt, tường phải thẳng đứng, bằng phẳng, không có viên đá lồi lõm ra vào", ông Trục cho biết.
Ông Nguyễn Khương (1950), Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn Phú Hạnh cho biết, hiện tuy đã có nhiều vật liệu mới nhưng các công trình bằng đá vẫn được người dân ở Phú Hạnh ưa chuộng. Như bức tường đá nhà ông Phạm Tấn Tài đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.
Trong thôn còn có cả chục bức tường rào đá. Chi phí làm một công trình đá dân sinh thường cao gấp 3 lần bê-tông cốt thép nhưng nhiều người vẫn dùng đá để làm chuồng bò vì ưu điểm của nó là mùa mưa ấm, mùa nóng mát; các công trình bằng đá khác thì bền bỉ, thân thiện với môi trường.
Nét chấm phá độc đáo ở làng biển
Ở các xã An Thọ, An Lĩnh, An Ninh Đông, An Hiệp, An Thạch, An Dân… của H. Tuy An, vẫn còn nhiều con đường đá, giếng đá, hàng rào đá, mộ đá, nhà kho bằng đá. Ở An Ninh Đông, đặc biệt là thôn Phú Hạnh, nơi còn lại rất nhiều công trình dân sinh bằng đá, tạo nên nét chấm phá độc đáo ở làng biển này.
Theo thời gian, số người xếp đá nhuần nhuyễn ở làng biển này không còn nhiều như trước. Chỉ một ít thanh niên yêu thích công việc này còn đi theo các bậc cao niên học nghề; còn đa phần đều đi làm nghề khác. Tại thôn Phú Hạnh, hiện chỉ còn khoảng 20 người chuyên làm nghề xếp đá. Công xếp đá ở mức 250.000-260.000 đồng/ngày, nhưng đa số những người này đều đã lớn tuổi.
Với người ở nơi khác đến, đây thực sự là ngôi làng lạ mắt, bởi những bờ rào đá, vách tường bằng đá, giếng nước được xếp bằng đá, cả những ngôi mộ trên đồi hoang cũng được bao bọc bởi đá. Khách du lịch trong nước, nhất là nhóm khách trẻ, khách du lịch quốc tế, những đôi trẻ chụp ảnh cưới, đoàn làm phim tìm đến nơi đây để ghi lại những hình ảnh trong một không gian hoang sơ và bình yên của đá.
Lý Đình Huy, một bạn trẻ đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Thời gian gần đây, Phú Yên là điểm đến được rất nhiều phượt thủ lựa chọn. Nhóm chúng tôi ban đêm về các homestay ở Tuy Hòa ở, còn ban ngày đi khám phá các địa điểm du lịch hoang sơ. Gành Đá Đĩa là điểm check-in không thể bỏ qua, nhưng trước khi đến với gành Đá Đĩa nổi tiếng ấy, đi qua ngôi làng này, chúng tôi đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp đơn sơ của đá. Ngoài các địa điểm trên bản đồ du lịch, tôi sẽ giới thiệu bạn bè một ngôi làng với nhiều công trình dân sinh được làm từ đá độc đáo".
Ông Nguyễn Khương, Trưởng thôn Phú Hạnh, cho biết ngay trên gò đá ngày xưa, hiện nay, thôn xây một công viên làm nơi giải trí cho người dân, ở đó bờ giữ đất, bờ tường được xếp từ đá, góp phần giữ gìn nét văn hóa đá của địa phương.
Tác giả: T.HÁI
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng