Là huyện có trữ lượng cát lớn nhất nhì của tỉnh, nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác cát sỏi Thanh Chương.
Ông Nguyễn Doãn Đức – Quyền Giám đốc Công ty khai thác cát sạn & vận tải Thanh Chương thừa nhận: Khai thác cát ở Thanh Chương là khai thác lậu cả. Hàng năm ,chúng tôi vẫn đóng thuế khoảng 1 tỷ đồng. Đó là khai thác chui. Nếu được khai thác nhiều hơn thì khoảng 2 tỷ đồng. Thuế họ biết cả, họ vẫn thu.
Khẳng định khai thác cát sạn là nghề truyền thống của lao động công ty, ông Đức cũng muốn được hợp thức hóa để sản xuất kinh doanh ổn định. Nhưng mòn mỏi theo đuổi thủ tục cấp mỏ từ cuối năm 2013 đến nay, kết quả vẫn chưa đâu vào đâu. Ông Nguyễn Doãn Đức bức xúc: Thời gian xin cấp mỏ bây giờ quá dài. Vướng nhất hiện nay là thủ tục tham vấn cộng đồng, mà đây không phải là yêu cầu về chuyên môn, trong luật định cũng không có mà do tỉnh Nghệ An đề ra đẩy cái khó này cho doanh nghiệp, không chỉ riêng công ty tôi mà tất cả đều mắc.
Trong khi hàng ngày, có cả hàng trăm khối cát từ Thanh Chương vận chuyển về các nơi.
Cùng chung hoàn cảnh, doanh nghiệp tư nhân Trường Linh là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu làm hồ sơ, thủ tục xin cấp mỏ khai thác tận thu cát sạn trên địa bàn. Dù biết trước là khó khăn, doanh nghiệp vẫn kiên trì theo đuổi và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về luật định. Vậy nhưng, sau hơn 2 năm trình hồ sơ, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa biết đến khi nào thì mới được cấp phép khai thác. Ông Nguyễn Duy Trà - Giám đốc DNTN Trường Linh, Quỳ Châu nói: Vướng mắc nhất là ở Sở TNMT làm việc hơi chậm. Nếu như doanh nghiệp đang thiếu cái gì thì nói luôn một thể. Không thể lần này nói thiếu cái này, mai lên lại nói thiếu cái kia. Theo tôi, nếu làm nhanh chỉ mấy tháng là xong.
Bởi cầu quá lớn, nên tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra hàng ngày trên địa bàn.
Khi việc cấp phép khó khăn thì thị trường cát sạn vẫn đang hoạt động theo cung cầu. Vì vậy, cát vẫn được khai thác bằng mọi hình thức bất chấp có phép hay không. Nơi nào địa phương quản lý chặt, không có nguồn tại chỗ thì cát được đưa nơi khác về nhưng người mua phải trả với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba. Chuyện hạt cát tuy nhỏ nhưng có thể khiến công trình bị đội vốn, chậm tiến độ...hay sức dân phải huy động lớn hơn khi xây dựng nông thôn mới là điều đã xảy ra ở nhiều địa phương. Anh Vũ Tiến Hưng - Giám đốc chi nhánh Công ty sông Đà 410 nói: Không có cát tại chỗm chúng tôi phải vận chuyển từ Anh Sơn lên, giá cả tăng gấp đôi. Vận chuyển xa nó cũng ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Nên có cơ chế đặc thù như những địa phương như Tương Dương để thuận tiện cho nhân dân và phục vụ hiệu quả trong xây dựng trên địa bàn và quá trình xây dựng NTM.
Và lòng sông đang bị khoét ruột mỗi ngày.
Cấp phép khai thác tài nguyên không thể tùy tiện mà phải dựa trên quy hoạch và những tiêu chí khắt khe của Luật khoáng sản. Tuy nhiên, những nghịch lý trong hoạt động quản lý, cấp phép khai thác cát sạn – một loại vật liệu hết sức thông thường đang dẫn đến những chênh lệch cung - cầu. Để thị trường vật liệu này lành mạnh hơn, liệu có cần những điều chỉnh, những vận dụng linh hoạt để sát hơn với cuộc sống?
Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Hữu Song – Duy Thanh