Chị Kha Thị Tình - một người chuyên hái đót ở Bản Kim Liên - xã Ngọc Lâm nói: Vào đầu vụ, gặp may tìm được vùng nhiều đót, mỗi ngày, mỗi người có thể thu hái được từ 40- 50kg, còn bình quân mỗi ngày chỉ thu hái được từ 20- 25kg.
Theo ông Nguyễn Văn Tứ ở thôn 9 xã Thanh Thịnh chuyên thu mua đót tươi: Trước đây, ông và nhiều người dân bản địa của các xã Thanh Hương, Thanh Thịnh chuyên đi hái đót nay rừng đã được giao cho các hộ dân TĐC nên ông chỉ đi mua. Những ngày này, người trong rừng nhiều hơn ở nhà, tầm 3- 4 giờ chiều người bán người mua râm ran khắp các cửa rừng. Hiện tại, giá một kg đót tươi khoảng 4.000 đồng.
Ngoài việc tập trung thu hái mua bán tại cửa rừng, nhiều hộ dân ở các làng nghề chổi đót ở xã Thanh Lĩnh lại tìm mua thu gom đót từ các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong...
Ông Trần Đình Sĩ ở thôn Lĩnh Thành - xã Thanh Lĩnh, mỗi năm mua khoảng 5 tấn đót, giá mua tại nhà bình quân khoảng 5.500/kg đót tươi, tuy đắt hơn mua ở cửa rừng nhưng mua được nhiều và xe chở tận nhà.
Cùng với mua, phơi và cất đót, làng nghề làm chổi có việc làm quanh năm. Sau khi khô, đót được tước nhánh bó lại gọi là con đót. Sau khi đủ 4 hoặc 5 con đót sẽ tiến hành xâu chổi. Khi xâu dùng sợi mây hoặc sợi ni lông kết các con đót lại thành chổi. Trong các cung đoạn làm chổi có bước cần kỹ thuật cao nhưng cũng có những bước làm thủ công đơn giản nhẹ nhàng nên huy động được rất nhiều nguồn lao động từ người già đến các em học sinh, Nghề xâu chổi lại có thể làm quanh năm, hiệu quả nhất là thời điểm mưa gió, nông nhàn. Tiền vốn lại không cao và thu hồi vốn nhanh.
Theo những người dân làm chổi, hiện nay. mỗi chiếc chổi bán ra từ 25.000- 30.000 đồng. Trừ chi phí người sản xuất thu về khoảng từ 12.000- 15.000 đồng, mỗi ngày một người có thể làm được từ 10-15 cái chổi như vậy, thu nhập bình quân mỗi tháng cho một lao động đạt khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập cao ở vùng nông thôn.
Tác giả bài viết: Trần Đình Hà
Nguồn tin: