Phát biểu tại Hội thảo Bàn về văn hóa lối sống đô thị Đà Nẵng ngày 24-10, Kiến trúc sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, nói: “Bây giờ tư vấn Singapore làm quy hoạch đề nghị Đà Nẵng làm nhà ở phía đông thấp, cao dần về phía tây. Nhưng giờ mình hình thành phía đông cao nghều lên rồi, ý kiến của Singapore giờ không có giá trị gì cả, chẳng lẽ giờ phải đập đi sao”.
Kiến trúc sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Lãnh đạo phải gương mẫu
Theo ông Trần Dân, sự gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật của lãnh đạo cấp TP là rất quan trọng. Lãnh đạo cấp TP mà không nghiêm thì không nói được dân. Người dân sống theo pháp luật, sống văn minh nhưng lãnh đạo không nghiêm. “Tôi là công dân Đà Nẵng, tôi đau lòng lắm” - ông Dân nói.
Dẫn chứng về biển Đà Nẵng, ông Dân cho hay từ một bờ biển đẹp giờ không còn nữa. Bởi, nước ngoài vào thuê đất rồi xây cao ngút lên, giờ đi đường biển không thấy bờ biển nữa. Người ta xây cao tầng rồi, lãnh đạo duyệt cho họ rồi.
“Họ làm khách sạn, nhưng (xử lý) nước thải họ không làm. Nguyên nhân vì sao, vì cán bộ phụ trách của Đà Nẵng không nghiêm, không bắt họ làm đúng quy định của TP. Nước thì thải ra biển, biển sạch như thế giờ bẩn. Nói thật là hai năm nay tôi không dám tắm biển Đà Nẵng vì xem báo chí thấy biển bẩn quá” - ông Dân cảm thán.
Ông Dân khẳng định, muốn cho người Đà Nẵng giữ được truyền thống của mình thì lãnh đạo TP phải gương mẫu trong mọi vấn đề. Khi người dân thấy ở trên gương mẫu thì dưới sẽ nghiêm, khi đó công tác xây dựng lối sống văn hóa đô thị mới đạt được kết quả. “Còn nếu như trên mà làm lung tung thì ở dưới khó mà vận động được sự văn minh” - ông Dân nói.
Bờ biển Đà Nẵng ken đặc nhà cao tầng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Những mâu thuẫn của Đà Nẵng
Tham luận của Thạc sĩ Trần Văn Thiết, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật TP Đà Nẵng, chỉ ra nhiều mâu thuẫn, nghịch lý trong phát triển của TP những năm qua.
Theo ông Thiết, dân số TP ngày càng tăng trong khi các điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế. Các chủ thể quản lý xã hội vẫn chưa đủ năng lực, trình độ cần thiết để quản lý, điều hành dẫn đến những tồn tại, hạn chế, thậm chí là những khuyết điểm, sai lầm kìm hãm sự phát triển của Đà Nẵng.
“Nếu nhìn toàn diện với tầm chiến lược, chúng ta sẽ thấy sự bất hợp lý đối với một TP biển. Đó là trong tương lai không xa, người dân Đà Nẵng sẽ trở thành khách trên chính mảnh đất của quê hương mình. Bởi phần lớn diện tích bờ biển đẹp và thuận lợi để phát triển du lịch, dịch vụ tại Đà Nẵng đã và đang thuộc sở hữu của các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Đây là mâu thuẫn, nghịch lý đã và đang đặt ra cho chúng ta những suy ngẫm” - ông Thiết nói.
Ông Thiết khẳng định Đà Nẵng đã từng chạy theo các chỉ số tăng trưởng kinh tế mà xao nhãng việc bảo vệ môi trường sống cho TP. Kinh tế tăng trưởng nhưng không giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề xã hội, thì có tăng trưởng nhưng không có sự phát triển.
Kiến trúc sư Trương Văn Ngọc, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng, nêu ra thực trạng rằng Sở Xây dựng TP từng có đề tài bảo tồn công trình cổ. Nhưng khi làm xong thì các công trình đã bị tháo dỡ gần hết.
“Đà Nẵng đang mất đi những di sản văn hóa, mất dấu ấn một thời kỳ phát triển đô thị” - ông Ngọc nói.
Phát biểu tại hội thảo, bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho hay TP đang dần chuyển hướng phát triển theo chiều sâu.
Đồng quan điểm về việc cần điều chỉnh tư duy phát triển, bà Trân cho hay TP đang tăng cường đầu tư cho văn hóa. “HĐND TP chuẩn bị giám sát chuyên đề về quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP. Những thiết chế này là môi trường gắn kết cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” - bà Trân nói.
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM