Kinh tế

Nhiều uẩn khúc quanh việc khảo sát nước mắm

Kết quả khảo sát mặt hàng nước mắm do Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) đưa ra nhiều thông số khiến nhiều người giật mình.


Thông tin không đầy đủ về chất lượng nước mắm có thể ảnh hưởng lớn đến nhiều vùng sản xuất nước mắm trên cả nước. Trong ảnh: tại một cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: ANH ĐỨC

Trong kết quả kiểm tra, khảo sát mặt hàng nước mắm được công bố ngày 17-10, VINASTAS cho biết có 125/150 mẫu được khảo sát không đạt ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu về hóa học, trong đó có trên 50% mẫu không đạt về hàm lượng nitơ tổng, 67% không đạt về hàm lượng asen hữu cơ.

Chỉ mang tính cảnh báo?

Trả lời bên lề lễ công bố, đại diện VINASTAS cho biết không công bố danh tính của các sản phẩm không đạt, mà thông tin chỉ mang tính cảnh báo người tiêu dùng.

Tuy nhiên tối cùng ngày, một số trang mạng xã hội đã tung kết quả khảo sát nước mắm kể trên, với bảng biểu được xếp rõ ràng theo mức độ ô nhiễm asen, có đầy đủ tên và nhà sản xuất sản phẩm.

Kết quả này được gỡ bỏ sau đó, nhưng đã được chia sẻ đến rất nhiều địa chỉ người dùng, khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi vì sao VINASTAS tuyên bố giữ bí mật nhưng danh sách này lại được công bố nhanh chóng và có chủ đích đến như vậy?

Đặc biệt trước đó ngày 12-10, một nhà sản xuất nhiều nhãn hiệu nước mắm công nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị “chỉ đạo thanh tra toàn diện, đặc biệt là giới hạn ô nhiễm asen trong nước mắm”!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Chính, chánh thanh tra Bộ Y tế, cho biết không bình luận gì về kết quả kiểm tra của VINASTAS, nhưng khẳng định việc kiểm tra chất lượng sản phẩm phải thực hiện theo đúng trình tự từ lấy mẫu, gửi kiểm nghiệm thì kết quả mới tin cậy.

Đề nghị đánh giá lại

Chiều 18-10, bà Hồ Kim Liên - chủ tịch Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc - cho biết đã ký công văn gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế... đề nghị tổ chức hội đồng đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý của kết quả khảo sát mà VINASTAS đã công bố.

“Không biết VINASTAS đã lấy mẫu như thế nào, quá trình phân tích, kiểm nghiệm ra sao mà kết luận các sản phẩm nước mắm, trong đó có nước mắm Phú Quốc, có hàm lượng thạch tín vượt mức quy định?” - bà Hồ Kim Liên nói.

Theo bà Liên, nước mắm Phú Quốc không chỉ tuân thủ các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 5107-2003, CODEX STAN 302-2011 mà còn được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu từ năm 2012 đến nay.

Nhiều nhà thùng ở Phú Quốc đang xuất sản phẩm đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc... vốn có hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm nhưng không gặp bất cứ cảnh báo nào về hàm lượng thạch tín không an toàn.

Tiêu chuẩn VN về nước mắm (TCVN 5107-2003) cũng không đề cập gì tới chỉ tiêu hàm lượng thạch tín mà chỉ quy định dư lượng kim loại nặng duy nhất đối với chì là tối đa 1 mg/lít. “Với thông tin không chuẩn xác về thạch tín như phân tích của VINASTAS có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nước mắm của VN” - bà Liên nhận định.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh 
- chuyên gia công nghệ thực phẩm: Đừng “đánh lận con đen”

Asen (thạch tín) hữu cơ gần như không gây tác hại gì với con người. Trong nước biển, cá biển, rong biển... đều có hàm lượng asen hữu cơ nhất định, nếu đem cá biển làm mắm chắc chắn có hàm lượng asen hữu cơ.

Tóm lại, asen hữu cơ an toàn với sức khỏe, bằng chứng là chúng ta ăn cá, ăn mắm hàng ngàn đời nay có vấn đề gì đâu.

Còn asen vô cơ (có nhiều ở trong khói bụi, xăng xe, hóa chất thải...) mới đáng ngại đối với vấn đề an toàn sức khỏe nếu chúng ta hít vào hoặc ăn những loại thực phẩm nhiễm loại asen này.

Do đó theo tôi, VINASTAS đừng “đánh lận con đen”, gộp chung hai loại asen này với nhau, gây hoang mang cho người dân.

Tác giả bài viết: L.ANH - N.TRIỀU - Q.LIÊN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP