Ai đánh ai?
Vụ việc xảy ra tại trụ sở TAND TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai gần nửa tháng nay, gây xôn xao dư luận. Mới đầu, tưởng chừng đơn giản nhưng đến nay lại phát sinh nhiều chuyện phức tạp, nhiều tình tiết kỳ lạ. Vậy có phải nữ luật sư bị cụ bà 67 tuổi hành hung hay chuyện ngược lại?
Được biết, ngày 20/12/2016 bà Võ Thị Tiết (hành nghề luật sư, thuộc đoàn luật sư tỉnh Bình Định) đến TAND TP.Pleiku để tham gia bào chữa cho 1 bị đơn trong 1 vụ án dân sự.
Đến nay bà Cúc khẳng định chỉ là va chạm nhỏ, nhưng nữ luật sự tố bị bà đánh thương tích khá nặng
Bị đơn trong vụ án, ủy quyền cho ông Phan Đình Thiện. Còn nguyên đơn vụ kiện là bà Diệp Thị Khánh Cúc (ngụ ở địa phương). Chủ tọa phiên tòa hôm đó là thẩm phán Nguyễn Thị Ngà.
Theo đơn bà Tiết, khi HĐXX vào trong phòng nghị án, bất ngờ bà Cúc cùng 5 người phụ nữ khác xông vào hành hung bà ngay tại bàn luật sư. Trong đơn của mình, bà Tiết còn cho rằng, thẩm phán Ngà biết toàn bộ nhưng…phớt lờ, không có động thái can thiệp nào.
Theo hồ sơ vụ việc, bà Tiết sau đó phải vào bệnh viện cấp cứu. Trong đơn thuốc của bệnh viện Quân y 211 TP.Pleiku chẩn đoán, bà Tiết bị “CTSN (tức chấn thương sọ não) kín, gãy răng 46, 47 do bị đánh”.
Bà Tiết sau đó có đơn tố cáo bà Cúc hành hung mình tại tòa. Đồng thời, Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, Liên đoàn luật sư Việt Nam có văn bản gửi cơ quan chức năng TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai đề nghị làm rõ hành vi hành hung nữ luật sư này khi đang tham gia tố tụng, hành nghề tại tòa.
Đáng chú ý, công văn 601/LĐLSVN-UBBVQLLS ngày 27/12/2016 của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam gửi các cơ quan chức năng TP.Pleiku; tỉnh Gia Lai và trả lời bà Tiết vẫn chưa xác định được việc tố cáo của Luật sư Tiết là đúng hay sai.
Trong khi đó bà Cúc mới đây có gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng. Bà này khẳng định, một người có tuổi như bà không thể nào hành hung nữ luật sư Tiết như thế và diễn biến tại phiên tòa hôm đó là bình thường, chỉ sau khi phiên tòa kết thúc, hai bên có va chạm nhỏ với nhau.
Bà Cúc trình bày, khi HĐXX vào nghị án, bà có đi ngang qua và bức xúc vì luật sư Tiết giúp bị đơn đưa ra bằng chứng mà theo bà có dấu hiệu…giả mạo? nên bà có dùng lời lẽ, xưng “mày – tao” vế phía nữ luật sư. “Nghe xong, Luật sư Tiết chồm lên nắm lấy cổ áo tôi dí xuống và nói: “mày láo hả?”. Tôi hốt hoảng la lên “luật sư đánh bà già...” thì có vài người vào can ngăn. Sau đó, tôi sợ quá nên vội ra về”, bà Cúc nhắc lại sự việc.
Bà Cúc cho rằng, đó chỉ là va chạm nhỏ, nhưng sau đó bất ngờ khi hay tin…luật sư Tiết tố cáo bà hành hung đến chấn thương sọ não, gãy 2 răng, phải nhập viện. Đến giờ bà Cúc vẫn khẳng định không hề hành hung bà Tiết và cho rằng, đây là chiêu “khổ nhục kế”…
Đơn kêu cứu của bà Cúc đặt vấn đề, “tôi là bà già đã 67 tuổi, bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường mãn tính thì làm sao đánh gãy răng luật sư Tiết, người trẻ hơn tôi đến hơn 30 tuổi. Điều kỳ lạ, răng ở vị trí số 46, 47 là răng hàm, to khỏe nhất nằm tuốt trong vòm họng thì liệu có dễ dàng đánh gãy, trong khi phần má, quai hàm không bị thương gì!” Do đó bà Cúc cũng có đơn đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ trắng – đen vụ việc này.
Những chuyện lạ
Thẩm phán Nguyễn Thị Ngà – chủ tọa phiên tòa hôm đó cũng nói rõ về vụ việc trên.
Bà Ngà cho biết: Khi kết thúc phiên xử, HĐXX vào nghị án, bà có nghe tiếng la, vội chạy lại phòng xử. Lúc đó bà có nghe 1 giọng phụ nữ la lớn “luật sư đánh bà già”. Bà thấy luật sư Tiết đứng gần đó, có nói “bà Cúc đánh tôi”.
Đơn thuốc của bệnh viện ghi nội dung nữ luật sư...bị đánh?
Thẩm phán Ngà khẳng định “tôi không thấy ai đánh ai? Hỏi cũng không ai biết. Lúc đó tôi thấy luật sư Tiết vẫn mặc sơ-vin chỉnh chu bình thường. Tôi không thấy sự lộn xộn giữa các bên. Tôi thấy sự việc bình thường”.
Bà Ngà cũng kể thêm, lúc đó luật sư Tiết yêu cầu lập biên bản. Thẩm phán Ngà hướng dẫn luật sư Tiết làm việc với lãnh đạo TAND TP.Pleiku.
Một hội thẩm nhân dân tham gia HĐXX là ông Ngô Xuân Dệt cho biết, thông tin luật sư bị đánh tại tòa là hoàn toàn không đúng, diễn biến tại phiên tòa bình thường, không có vấn đề gì xảy ra. Ông Dệt xác nhận, khi HĐXX thông báo vào nghị án, sẽ tuyên án vào đầu giờ chiều hôm đó thì mọi người ra về.
Diễn biến buổi chiều, HĐXX vẫn tuyên án bình thường. Theo ông Dệt, khi tuyên án không có đại diện phía bị đơn và luật sư Tiết. Việc tuyên án đã được tòa tuyên bố vào lúc 14h cùng ngày, nếu bị đơn và luật sư vắng thì tòa vẫn tuyên theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Đến nay bà Cúc bức xúc 1 số vấn đề, điển hình là chuyện, nếu có việc bà hành hung luật sư Tiết thì sau khi xảy ra, sao bà Tiết không trình báo cơ quan công an, yêu cầu giám định thương tật theo quy định để làm chứng cứ, mà tự đi cấp cứu? Chuyện trong đơn thuốc nội trú do bác sĩ khoa Răng - Hàm - Mặt mà không có chữ ký của bác sĩ hay trong phiếu tính tiền theo đơn thuốc nội trú của ban tài chính cùng thuộc bệnh viện Quân y 211 đều ghi chẩn đoán, luật sư Tiết bị “CTSN (tức chấn thương sọ não) kín, gãy răng 46, 47 do bị đánh”.
Một điều tra viên thuộc Bộ công an phía Nam cho rằng, việc đương sự có khiếu nại, bức xúc về các tình tiết này là hoàn toàn có cơ sở. Khi xảy ra vụ việc, có người bị thương thì phải trình báo cơ quan công an gần nhất để ghi nhận, kết quả giám định phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành trên cơ sở yêu cầu của cơ quan công an thì mới được trưng dụng phục vụ trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc.
Trong trường hợp nạn nhân bị đánh mà tự đi cấp cứu, điều trị hoặc không có nhân chứng nào thì rất khó để xác định, bởi lẽ trên đường di chuyển thì biết đâu xảy ra tai nạn hay chuyện gì khác?
Điều tra viên này còn nói rõ, riêng về trường hợp bệnh viện ghi thuật ngữ là “do bị đánh” hoàn toàn không đúng. Việc xác định nạn nhân bị đánh hay vì lý do gì khác phải do cơ quan công an nơi thụ lý vụ việc đưa ra kết luận, bệnh viện không có chức năng này. Tốt nhất là bệnh viện nên ghi nhận tình trạng bệnh nhân nhập viện như thế nào? những thương tích ở đâu? Chẩn đoán như thế nào? và có thể ghi thêm thuật ngữ chuẩn xác là “bệnh nhân khai bị đánh”.
Hiện chưa rõ ai đánh ai? Hiện công an TP.Pleiku đang thụ lý điều tra, làm rõ.
Tác giả bài viết: Linh An
Nguồn tin: