Kinh tế

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

Nhờ đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản, việc thu tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả điều tra thăm dò khoáng sản của Nhà nước và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước hàng năm từ 5-7 nghìn tỷ đồng.

Khai thác tại mỏ vàng Bản Ná, xã Thần Sa, Võ Nhai, Thái Nguyên

Tạo sân chơi sòng phẳng cho doanh nghiệp

Hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS) nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Trước đây các đơn vị, doanh nghiệp (DN) có giấy đăng ký kinh doanh phù hợp và những thông tin chứng minh năng lực khi phát hiện có mỏ, điểm mỏ trong DN (quy hoạch, chưa được cấp cho ai là có thể đề nghị được thực hiện các trình tự, thủ tục xin cấp phép KTKS.

Với quy trình đó, thực tế thời gian qua đã có không ít đơn vị, DN bằng khả năng “ngoại giao” của mình đã sở hữu nhiều mỏ, điểm mỏ, trong khi có những đơn vị thực chất sản xuất lại thiếu vùng nguyên liệu khai thác.

Cơ chế này dẫn tới tình trạng nhiều mỏ được cấp phép nhưng không triển khai hoạt động do năng lực chủ mỏ hạn chế, phải chuyển nhượng ngầm hoặc khai thác chỉ để xuất bán nguyên liệu thô gây lãng phí tài nguyên... xuất hiện.

Hơn nữa, cơ chế này đã khiến hoạt động KTKS diễn ra một cách ồ ạt nhưng lợi nhuận, ngân sách nhà nước (NSNN) thu được không đáng kể. Người dân địa phương không được hưởng lợi ích từ hoạt động khai khoáng.

Do vậy, Chính phủ đã có Nghị định, Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Tài chính cũng ban hành Thông tư hướng dẫn về đấu giá quyền KTKS nhằm tạo sự công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép KTKS.

Thời gian đầu, đấu giá KTKS gặp khó do trong quá trình đấu giá đã không thu hút đủ số DN (hồ sơ) tham gia đấu giá, theo quy định, ít nhất là 3 tổ chức. Bên cạnh đó, phần lớn DN không đủ năng lực tài chính theo quy định (vốn chủ sở hữu ít nhất 50 tỷ đồng); đồng thời, yêu cầu DN cần có chuyên môn về thăm dò, KTKS và phải cam kết chế biến sâu... Hiện nay, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, số DN tham gia đấu giá chỉ còn 2.

Đấu giá quyền KTKS đã tạo ra “sân chơi” sòng phẳng hơn cho các DN, chỉ có DN khai khoáng có chuyên môn sâu, kinh nghiệm, kỹ thuật và đủ năng lực tài chính mới có thể tham gia được vào guồng quay mà tính công khai, minh bạch rất cao.

Khi tham gia vào hoạt động khai khoáng, các DN sẽ phải trả một khoản tiền được quyền khai thác không nhỏ, đồng thời vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính như trước. Ngoài ra, DN phải đóng tiền cấp quyền KTKS, nên nếu không hoạt động tự DN đó sẽ loại mình ra khỏi cuộc chơi. Chủ trương của Chính phủ là thông qua những điều chỉnh này để loại bớt DN kém hiệu quả, giúp Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách.

Tiền đấu giá tăng hơn 80% so với giá khởi điểm

Đến nay, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản) đạt 52,23% kế hoạch. Tổng giá trị xác định thông qua đấu giá 304 khu vực ước đạt 1.040,823 tỷ đồng; so với tổng giá trị khởi điểm dự tính là 576,504 tỷ đồng, tăng 466,210 tỷ đồng (tăng 80,86% so với giá khởi điểm).

Nói cách khác thông qua đấu giá quyền KTKS đã tăng thu cho NSNN 466,210 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả đấu giá và kết quả thăm dò sau đấu giá, các địa phương đã cấp phép KTKS 152 mỏ (đạt 50%) và thu về NSNN 354,358 tỷ đồng.

Hà Nội là địa bàn trọng điểm và phức tạp về tình trạng khai thác cát, sỏi, cũng là nơi có nhu cầu sử dụng cát, sỏi cao nhất cả nước. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tăng cường quản lý các mỏ khoáng sản trên địa bàn, trong đó chú trọng đấu giá quyền KTKS. Năm điểm mỏ cát sẽ được đưa ra đấu giá có tổng diện tích đất 3 triệu m2, trữ lượng cấp 12,3 triệu m3 với tổng số tiền dự kiến thu được từ đấu giá gần 51,6 tỷ đồng.

Để bảo đảm hành lang pháp lý đấu giá quyền KTKS, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền KTKS, với mục tiêu đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá và các tổ chức, cá nhân liên quan, tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu giá quyền KTKS; hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản.

Tác giả: Lam Hạnh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP