Theo Công an TP. Đà Nẵng, tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại ngày càng tinh vi. Đây không phải là loại hình lừa đảo mới và cũng đã liên tục được các cơ quan chức năng cảnh báo; thế nhưng, vẫn có hàng loạt người sập bẫy. Một phần, do các đối tượng biết cách để đánh trúng vào lòng tham của người dân; phần nữa là việc sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, Công an các quận Liên Chiểu, Hải Châu (TP. Đà Nẵng) đã tiếp nhận hàng chục vụ lừa đảo liên quan đến mạo danh qua điện thoại, với tổng thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Phụ nữ ở TP. Đà Nẵng liên tiếp sập bẫy, ôm hận vì những cú lừa tiền tỷ. |
Đơn cử như trường hợp của 1 bị hại trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Chị mếu máo trình báo với công an rằng, mình vừa cào điện thoại trị giá 70 triệu đồng đã nạp vào một đầu số Mobifone.
Nạn nhân chỉ ở nhà nội trợ nên khi được các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên nhà mạng thông báo là mình đã trúng giải Nhì là 1 xe máy Airblade và 1 sổ tiết kiệm 200 triệu đồng, chị đã tin rằng mình may mắn và thực hiện chuyển số tiền trên cho bọn chúng. Chỉ đến khi chuyển hết 70 triệu đồng cùng với việc số máy bên kia "ò í e" thì chị mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.
Theo cơ quan chức năng, thông thường ở chiêu lừa này, để lừa được nhiều tiền, kẻ lừa đảo từng bước yêu cầu nạn nhân phải nộp các khoản phí khác nhau trong quá trình làm thủ tục, hồ sơ, vận chuyển phần thưởng…; đồng thời cam kết sẽ hoàn lại số tiền này.
Ngoài việc lừa đảo trúng thưởng này, chỉ với vài cuộc điện thoại, mạo danh là người của cơ quan công an hay 1 đơn vị công quyền nào đó, các đối tượng đã đánh trúng vào tâm lý sợ liên quan đến pháp luật của các chị em phụ nữ. Từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng đã được chuyển vào tài khoản của bọn lừa đảo với lý do rất đơn giản chỉ là để kiểm tra.
Một nữ bị hại tên L., trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu báo cáo với công an rằng, mình nhận được điện thoại xưng mình là cán bộ điều tra của bộ Công an. Người này thông báo bà có liên quan tới đường dây mua bán trái phép ma túy và đọc đúng số tiền trong tài khoản ngân hàng của bà đang có. Chính vì vậy, nạn nhân bị thuyết phục nên đã chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm này cho bọn chúng kiểm tra và bị chiếm đoạt từ đó.
Hay nữa như bà N.T.L.H. (51 tuổi) trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu đã 4 lần thế chấp các sổ tiết kiệm của mình để vay tổng cộng 3 tỷ đồng. Số tiền tỷ này bà lại chuyển hết vào tài khoản cho những kẻ "lạ" tự xưng là công an, cán bộ kiểm sát.
Những "lệnh bắt" gửi qua Zalo, lần "thẩm vấn" qua điện thoại... nhưng cũng khiến bao người tin tưởng bị lừa. Công an TP. Đà Nẵng nhiều lần cảnh báo về vấn đề này. |
Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng cho biết, công an thành phố đã tuyên truyền rất nhiều về thủ đoạn này qua mạng xã hội và điện thoại. Mọi người dân nên tìm hiểu, nghiên cứu nhằm tránh khỏi những hiểm họa lừa đảo, vừa tránh gây thiệt hại tiền bạc cho chính mình vừa góp phần không ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Theo Thượng tá Lài, cơ quan công an không có tài khoản ngân hàng cũng không bao giờ làm việc qua điện thoại với người dân. Chính vì vậy, khi gặp những trường hợp này, người dân cần tỉnh táo để đối phó và một khi đã chuyển tiền cho bọn chúng thì cần nhanh chóng trình báo với công an để điều tra xác minh.
Qua thời gian, những phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi, nếu người dân không tỉnh táo thì rất dễ bị rơi vào bẫy của bọn tội phạm.
Tác giả: Lê Nhâm Thân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin