Tin địa phương

Nhiều người nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp chỉ… vài chục triệu đồng

Lợi dụng chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của TP.Đà Nẵng, người nước ngoài đã tìm mọi cách để hợp thức hóa hồ sơ để được ở lại Việt Nam lâu dài.

Lực lượng Q.Ngũ Hành Sơn kiểm tra một cơ sở có người Trung Quốc lưu trú.ẢNH: VĂN TIẾN

Ngày 30.3, UBND TP.Đà Nẵng cho biết Chủ tịch TP.Đà Nẵng Lê Trung Chính vừa ký báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn TP.Đà Nẵng, gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan.

2 năm, hơn 4,43 triệu lượt người nước ngoài đăng ký tạm trú

Theo báo cáo, trong 2 năm qua, trên địa bàn TP.Đà Nẵng có hơn 4,43 triệu lượt người nước ngoài đăng ký tạm trú. Trong đó, năm 2019 có hơn 3,74 triệu lượt người; năm 2020 có hơn 686.000 lượt người.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, trong 2 năm qua, tình hình người nước ngoài có nhiều biến động dẫn đến công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Hành vi của người nước ngoài diễn biến phức tạp, có dấu hiệu tăng về tính chất và mức độ, nhiều vụ việc có quy mô lớn, có tính tổ chức, sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, như: đánh bạc trực tuyến, tổ chức quay phim đồi trụy, giết người…

“Lợi dụng chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của TP.Đà Nẵng, người nước ngoài tìm mọi cách để hợp thức hóa hồ, sơ, thủ tục (như giấy tờ chứng minh kinh nghiệm, bằng cấp…) hoặc thông qua người Việt Nam đầu tư bất động sản, thành lập doanh nghiệp để được ở lại Việt Nam lâu dài nhằm mục đích thực hiện các hoạt động khác. Có nhiều trường hợp người nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp chỉ vài chục triệu đồng”, báo cáo nêu.

Trên thực tế, qua công tác kiểm tra cũng đã phát hiện các trường hợp người nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này nhưng lại làm việc, hoạt động trên các lĩnh vực khác…

Báo cáo cũng cho biết, xuất hiện tình trạng người nước ngoài (chủ yếu là người quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh bằng thị thực du lịch (ký hiệu DL), sau đó thông qua “dịch vụ” để chuyển đổi sang thị thực lao động (ký hiệu LĐ2) nhưng lại không biết công ty bảo lãnh, không biết công ty mà mình hợp đồng lao động.

Hoạt động của người nước ngoài có nhiều phức tạp như thuê căn hộ biệt thự, khách sạn, chung cư cao cấp, nhà dân và những địa điểm biệt lập, khép kín, nơi ít người để ý, quan sát... thông qua phiên dịch hoặc người môi giới đứng tên thuê nhà, lắp đường truyền in ternet tốc độ cao, sử dụng máy tính, điện thoại… để hoạt động trái phép trên mạng, cư trú trái phép.

Đề nghị "siết" việc cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài

Cũng theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, tình trạng người nước ngoài dạy học không phép tại các trung tâm ngoại ngữ tiếp tục diễn ra. Có trường hợp thông qua hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ để sinh hoạt, hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái phép với tính chất tinh vi, phức tạp… có sự móc nối với người Việt Nam trong thời gian dài nhằm qua mắt cơ quan chức năng.

Ngày 16.3, TAND TP.Đà Nẵng xét xử sơ thẩm đường dây tiếp tay cho người Trung Quốc ở "chui" tại Đà Nẵng trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.ẢNH: NGUYỄN TÚ

Trong 2 năm qua, Công an TP.Đà Nẵng chủ trì, phối hợp các ngành xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh 149 vụ/1.189 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố, điều tra 9 vụ, 21 bị can (10 người Trung Quốc, 11 người Việt Nam) có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; phát hiện 28 người Trung Quốc và 6 người Hàn Quốc là đối tượng truy nã của nước ngoài lẩn trốn trên địa bàn.

Trước thực trạng này, UBND TP.Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung các hành vi vi phạm mới của người nước ngoài. Đồng thời, tăng mức xử phạt, bổ sung thẩm quyền cho các lực lượng tham gia xử lý vi phạm của người nước ngoài…

UBND TP.Đà Nẵng đề xuất Bộ Công an xây dựng bộ tiêu chí nhằm rà soát, kiểm tra, thẩm định yếu tố an ninh, làm cơ sở cho việc xem xét cấp giấy phép đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án đầu tư tại các khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Về tình trạng xuất hiện loại hình “dịch vụ” làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài (chủ yếu là người quốc tịch Trung Quốc) không đúng quy định, tạo điều kiện ở lại Việt Nam và có những hoạt động không rõ ràng, Đà Nẵng đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc kiểm tra, thẩm định tính hợp pháp, hợp lệ giấy tờ của người nước ngoài trước khi cấp giấy phép lao động, cấp đổi thị thực; có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tác giả: Hoàng Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP