Trong nước

Nhân tài đặc biệt có thể được TP HCM thưởng một tỷ đồng

Người có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc, có khả năng lao động sáng tạo rất cao, được TP HCM "trải thảm" mời về.

Trong đề án vừa trình UBND TP HCM về Chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt ở các lĩnh vực thành phố cần, Sở Nội vụ đề xuất áp dụng mức hỗ trợ ban đầu cho họ là 50 triệu đồng và hàng tháng được hỗ trợ sinh hoạt phí 20-30 triệu đồng.

Đối với một số vị trí, cứ mỗi đề tài nghiên cứu (hoặc tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cấp thành phố và tương đương trở lên) được đơn vị có thẩm quyền công nhận bằng văn bản, sẽ được thành phố thưởng 1% tổng kinh phí công trình đó. Giá trị tiền thưởng cho một người thấp nhất là 50 triệu đồng và tối đa là một tỷ.

Ở các vị trí còn lại, thành phố sẽ căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, mức độ đóng góp và giá trị giải thưởng đạt được để đưa ra mức thưởng tương xứng - tối đa một tỷ đồng.

Ngoài ra, người có tài năng đặc biệt còn được hỗ trợ về nhà ở công vụ hoặc được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà. Kinh phí tổ chức tuyển chọn và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với người có tài năng đặc biệt do ngân sách thành phố chi trả.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai, bên phải) nói chuyện với các nhà sáng tạo trẻ về đề án thành phố thông minh. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

'Nhân tài đặc biệt' là thế nào

Theo Sở Nội vụ, người có tài năng đặc biệt là có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp; có phẩm chất đạo đức và khát vọng cống hiến; có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực; có khả năng lao động sáng tạo rất cao.

Họ đã đạt nhiều thành tích hoặc khả năng hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể với mức độ tốt vượt trội mà rất ít người có thể thực hiện được; có uy tín cao được giới chuyên môn và cộng đồng công nhận.

Hiện, các cơ quan đơn vị của TP HCM đã đề xuất thu hút 57 vị trí (dự kiến tuyển chọn là 199 người) ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ, hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị, dịch vụ công; văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao. Trong đó, thành phố thu hút vào biên chế 28 vị trí; còn lại là ký hợp đồng.

Nêu quan điểm về đề án chính sách thu hút nhân tài lần này, Sở Nội vụ cũng nhìn nhận quá trình xây dựng còn nhiều ý kiến khác nhau và sẽ tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình HĐND thành phố xem xét thông qua.

Thời gian qua TP HCM và một số tỉnh thành đã có nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút các nhân tài nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng chính sách thu hút nhân tài của thành phố giống như "trên trải thảm mà dưới trải đinh" vì còn quá nhiều điều kiện, thủ tục gây khó khăn.

Phản biện đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về TP HCM làm việc (giai đoạn 2018-2020) hồi tháng 3, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao (Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội khoa học TPHCM) đề nghị ưu tiên chính sách nhập cư cho lao động chất lượng cao; không phân biệt nhà khoa học trong và ngoài nước; đánh giá họ dựa trên chất lượng công việc. Thành phố cũng cần lập quỹ riêng để thường xuyên khen thưởng người đạt hiệu quả công việc.

Ngoài ra, theo ông Giao, đề án chưa thể thu hút nhân tài mà chỉ đáp ứng tốt cho việc tuyển chọn cử nhân, thạc sĩ về các sở ban ngành làm việc. Bởi giáo sư, tiến sĩ không phù hợp làm việc ở các cơ quan hành chính. Nên tách thành hai đề án là tuyển cán bộ chuyên viên cho các sở ban ngành; và tuyển nhân tài, người nghiên cứu khoa học cho các khu công nghệ cao.

Cũng liên quan đến việc hút nhân tài, mới đây 40 nhân tài thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) đã xin thôi việc, chấp nhận đền bù tiền tỷ.

Tác giả: Thiên Ngôn

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: nhân tài , tp hcm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP