Kinh tế

Nhân rộng mô hình trồng cam V2

Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong vụ đông năm nay huyện Thanh Chương đã triển khai việc trồng 20 ha cây cam V2. Đây là một hướng đi phù hợp đang được người dân đón nhận với hy vọng sẽ có thêm nguồn thu nhập từ một giống cây trồng mới.

Cam V2 có nguồn gốc từ giống cam Valencia được Viện Di truyền Nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, hiện đã được trồng thử nghiệm và cho hiệu quả cao ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Đây là giống cam ngọt và chín muộn, có khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt. Cây sinh trưởng và phân cành tương đối đều, cân đối, khả năng ra hoa đậu quả cao, Quả dễ bảo quản và bảo quản được lâu trên cây mà không làm giảm chất lượng, vỏ quả mỏng, có màu vàng đẹp, lõi quả vàng ươm, hàm lượng nước cao, tỷ lệ chất xơ trong quả thấp, chất lượng thơm, ngọt đậm, ít hạt, khả năng kháng bệnh tốt hơn so với các giống hiện có.

Cây cam V2 một năm tuổi phát triển tốt ở vườn nhà ông Nguyễn Thanh Hồng xã Thanh Liên - Thanh Chương


Sau khi tham quan, khảo sát các đặc tính của giống cam này, cách đây 3 năm Ông Lê Thanh Ngọc ở xóm Hòa Tiến xã Thanh Hòa huyện Thanh Chương đã thực hiện thí điểm 0,5 ha mô hình trồng cam V2 tại vườn nhà. Đến nay mô hình đã và đang phát triển tốt, chiều cao trung bình 1,5m; khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cây đã ra quả. Ông Ngọc cho biết: cây cam này rất dễ trồng, chăm sóc, chi phí đầu tư không quá lớn, 1 ha chỉ mất khoảng 15 triệu đồng cho cả giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, làm cỏ... Vì vậy giống cam này được ông và người dân trong vùng đánh giá cao và có khả năng nhân rộng.

Trước các ưu điểm vượt trội của cây cam V2 huyện Thanh Chương đã tiến hành nghiên cứu, sơ kết và quyết định đưa vào Nghị quyết và Đề án sản xuất vụ động. Theo đó trong vụ đầu tiên này sẽ triển khai trồng 20 ha ở 4 xã gồm Thanh Hòa, Thanh Liên, Thanh Ngọc và Thanh Phông là những nơi có nguồn quỹ đất phù hợp và đã có người trồng thành công.

Để đảm bảo cho đề án được triển khai có hiệu quả HĐND huyện cũng đã ra nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ. Theo đó nếu trồng trong vùng quy hoạch và đảm bảo từ 1000 m2 trở lên người trồng cam sẽ được hỗ trợ 10 000 đồng / bầu giống, hỗ trợ 5 triệu đồng/ ha công làm đất.

Thực hiện Nghị quyết và Đề án của huyện các địa phương được quy hoạch đã bố trí được nguồn quỹ đất và tiến hành chỉ đạo công tác trồng cam. Theo bà Nguyễn Thị Oanh- Chủ tịch hội Hội nông dân xã Thanh Hòa cho biết hiện tại toàn xã đã có trên 10 hộ đăng ký với tổng diện tích gần 2 ha, riêng ông Lê Thanh Ngọc đăng ký trồng thêm gần 1 ha. Xã cũng đã tổ chức chỉ đạo việc đào hố và tập huấn các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân.

Người dân xã Thanh Liên đang đào hố trồng cam V2


Để giúp các địa phương thực hiện thành công việc trồng cam V2, ông Nguyễn Văn Quế- Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương co biết: ngoài việc chỉ đạo việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ theo quy định, huyện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo để đôn đốc tổ chức việc cung ứng giống, kỹ thuật cho nông dân. Quyết tâm này của lãnh đạo huyện đã và đang tạo niềm tin cho người trồng cam.

Thanh Chương là huyện có nhiều điều kiện để phát triển các giống cây ăn quả theo hướng hàng hóa với nhiều diện tích đất đồi thấp rất phù hợp cho việc phát triển vùng chuyên canh sản xuất các giống cây ăn quả. Đặc biệt là đã rất nổi tiếng với các thương hiệu Cam bù Cát Ngạn và Cam Tổng đội, nay lại đang triển khai dự án trồng cây cam V2. Hy vọng rằng từ những kết quả bước đầu và quyết tâm mới hôm nay dự án sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho việc đầu tư trồng cam V2 trên trên diện rộng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Khi trồng bà con cần chú ý: Mật độ trồng nên trồng 4 x 5 m. Đào hố: hố trồng cam có kích thước 0,8 x 0,8 x 0,8m hoặc 1 x 1 x 1m, khi đào hố cần lưu ý để lớp đất mặt về một phía, lớp đất phía dưới về một phía. Sau khi đào hố xong, hố được phơi khô ít nhất là 1 tháng, dùng 1kg vôi bột rắc xung quanh hố. Ở các vùng đất cứng, thoát nước kém hố đào sâu có thể trở thành vũng nước mưa, gây nghẹt rễ, cần có biện pháp thoát nước.

Chuẩn bị phân bón lót: Mỗi hố bón từ 50- 80kg phân chuồng hoai mục + 1kg P2O5 + 5 - 10 kg xỉ than trộn với lớp đất phía dưới cho vào hố, lớp đất mặt + 100g urê + 100g K2O5. Trồng xong nên phủ gốc để chống thoát hơi nước và cỏ dại, phủ cách gốc 10cm. Cỏ xung quanh gốc cần được nhổ sạch. Phần đường lô nên chỉ cắt cỏ để giữ ẩm, chống xói mòn đất và là nơi cư trú của côn trùng có ích trong vườn cam.

Tác giả bài viết: Trần Đình Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP